Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH, NHÀ MUA, NHÀ THUÊ, NHÂN SỰ VÀ ĐẠI DỊCH

Mình sẽ giải thích sơ về mối quan hệ giữa công ty, ngân hàng, tiền thuê nhà, nhân sự và đại dịch. 
Vì sao đại dịch mang lại ảnh hưởng kinh tế nặng nề đến vậy, các doanh nghiệp ở Nhật Bản bắt đầu đệ đơn xin phá sản, gần 5000 doanh nghiệp ở Việt Nam vừa đóng cửa, 5000 tạm ngừng kinh doanh, tổng doanh nghiệp giải thể cao gần 20% so với cùng kì năm trước.



Đầu tiên, nếu bạn là chủ doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư những dự án sinh lời, nôm na là doanh nhân thì khi bạn mua nhà, thường bạn sẽ không chồng hết 100% tiền nhà. 
Chẳng hạn bạn mua căn nhà 10 tỷ, bạn sẽ trả 5 tỷ, vay ngân hàng 5 tỷ và chịu mức lãi 7-12% tùy vào ngân hàng và tình trạng doanh nghiệp dù bạn có hơn 10 tỷ trong tay, tất nhiên thường bạn sẽ phải thế chấp căn nhà mình vừa mua. 
Vì sao? Vì với một số doanh nhân, số tiền mặt 5 tỷ đó họ có thể sinh lời ít nhất 20% 1 năm, sau khi trả nợ ngân hàng họ vẫn có lãi.
 Cái này gọi là đòn bẩy tài chính. Sau 1 năm, bạn vẫn sở hữu nhà cùng số tiền và thêm một khoản tiền > 10% của 5 tỷ, nếu kinh doanh tốt có thể sinh ra thêm 4-5 tỷ chứ chẳng phải chỉ dừng ở đó.
Thế nhưng thế sự khôn lường, khi bạn thua lỗ, không có khả năng trả vốn lẫn lãi, đó là lúc ngân hàng siết nhà và bán phát mãi tài sản bạn thế chấp để thu hồi vốn, lúc này đòn bẩy bị gãy, bạn trắng tay.
Tiếp đến, đại đa số các cơ sở kinh doanh đều thuê nhà, thuê mặt bằng để bắt đầu sự nghiệp, một ít có điều kiện thì mua luôn, nhưng trớ trêu thay nhà mặt bằng tốt thì lại đắt đỏ, hiện mặt bằng khu Phan Xích Long ở Sài Gòn có mức giá từ 100 triệu -> 300 triệu/tháng tùy vào vị trí và diện tích, tức tương ứng 2-3 tỷ/năm.
 Tương tự là nhà mặt phố Trần Phú Hà Nội có mức giá khoảng 100-250 triệu/tháng. 
Mà thường các doanh nghiệp có khả năng chơi những mặt bằng lớn này không phải chỉ có 1 chi nhánh, nên khả năng tiền thuê nhà hàng năm lên đến hàng chục tỷ.


Vậy dù bạn là nhà thuê hay nhà mua, khi tình hình kinh doanh khó khăn, khối tài sản đang dương của bạn có thể lập tức sụp đổ chóng vánh. 
Đó là lý do nhiều ông chủ nhiều tòa nhà ở Hà Nội lập tức mất chục tỉ trong vài tháng dịch mà báo chí đưa tin hà rầm bữa nay.
Tương ứng với tài sản là đất đai, nhà cửa, một loại tài sản khác cũng quý giá và đắt đỏ không kém là nhân sự. 
Giả sử lương trung bình của một cơ sở kinh doanh vừa kể cả quản lý lẫn nhân viên là 10 triệu/tháng, 20 nhân viên, vậy mỗi tháng bạn phải mất 200 triệu tiền nhân sự. Có nhiều cơ sở kinh doanh lên đến 500 triệu - 1 tỷ/tháng. 
Số lượng nhân viên này đã qua nhiều năm chắt lọc, hình thành các kĩ năng, thói quen, vận hành, nắm giữ nhiều đầu mối chăm sóc khách hàng thân thiết mang lại rất nhiều lợi nhuận cho công ty. 
Khi công ty rơi vào tình trạng khó khăn, bạn cắt giảm nhân sự để đỡ chi phí vận hành thì khi thị trường bình ổn trở lại, bạn sẽ mất hết tay chân, số tài sản đáng ra được những nhân sự này tạo ra trong 5 năm tiếp theo bỗng biến mất, có khi bạn còn mất thêm rất nhiều tiền để tuyển nhân sự mới, training, sàng lọc, chịu mất khách trong giai đoạn nhân sự làm quen với công ty.
Bởi vậy những ngày tháng bình thường không có gì để nói, nhưng cũng cùng những yếu tố trên, khi đại dịch xuất hiện, lượng khách hàng giảm mạnh, doanh nghiệp không có khả năng chi trả gốc lãi ngân hàng, không có khả năng chi trả nuôi quân trong nhiều tháng, mọi sự nghiệp có thể đổ vỡ trong chốc lát.
 Nhưng nếu bạn kinh doanh không vay vốn, không mở rộng tức là kinh doanh không hiệu quả trừ phi bạn có một lượng vốn siêu to siêu khổng lồ, còn trường hợp bình thường khi cùng số tiền trả lãi cho ngân hàng, doanh nghiệp tự tin có thể làm ra được ít nhất 20%/năm người ta mới đi vay chứ không phải khốn khó vay bậy vay bạ nên khoan phán xét chuyện người ta khôn hay dại đã. 
Ngân hàng cũng thường đánh giá doanh nghiệp, cảm thấy làm ăn tốt, tài sản thế chấp đầy đủ họ mới cho vay chứ không dễ ăn tiền đâu.


Lấy 1 ví dụ cụ thể cho dễ hiểu hơn:
Chẳng hạn doanh thu mỗi tháng của công ty là 10 tỷ, các chi phí nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa 6 tỷ, các chi phí tiền thuê nhà, thuê nhân viên, marketing, các chi phí ngầm khác khoảng 3 tỷ, tiền lời 1 tỷ mỗi tháng.
 Vậy lúc này mỗi tháng công ty không có doanh thu, các chi phí giảm đôi chút, không có chi phí hàng hóa, công ty sẽ lỗ 3 tỷ 1 tháng, 4 tháng mất hết số tiền lời 1 năm qua, 1 năm lỗ đi tong 4 năm cày bừa. 
Các công ty có tỷ suất lợi nhuận càng thấp, chi phí cao như các công ty sản xuất, nhà hàng khách sạn sẽ là những công ty "lên đường" trước.
Thế mới nói _Kinh doanh không dành cho tất cả mọi người.
 Mỗi một tấm gương thành công trên báo chí là hàng ngàn doanh nghiệp vô danh khác sụp đổ ở kề bên mà không ai hay biết. 
Cây càng cao càng đón gió, công ty càng to càng nhiều chi phí, càng dễ bị công phá khi gặp tấn công.

copy facebook






0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .