Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Bến xưa - Cây đa, bến nước

Tôi về thăm lại bến xưa
Bước chân khấp khởi, dép lùa cỏ may
Mười năm là mấy ngàn ngày
Nước trôi, sa lắng vơi đầy bao nhiêu.
Chỗ nào xưa buộc dây diều
Chỗ nào lặn ngụp những chiều chăn trâu
Cây đa, quán nước đi đâu
Vắng con đò nhỏ, vắng câu gọi đò...
Gió đưa xao xuyến giọng hò
Thả mây theo sóng lững lờ chảy xuôi
Nhớ rằm xuống ngắm trăng soi
Nhớ trưa hóng mát ra ngồi bãi dâu...

Tháng năm mưa nắng dãi dầu
Mái đê, sườn dốc bạc màu thời gian
Người đi lo việc quan san
Người lưu xóm bến, đò ngang đợi chờ.



Nay về tìm lại chốn xưa
Cây đa, quán nước, con đò đi đâu
Đôi bờ ai đã bắc cầu
Bê tông, sắt thép móng sâu nhịp dài
Tàu xe tấp nập ngược xuôi
Tu tu còi rúc, mù trời khói bay
Bãi bồi ngấn nước lung lay
Bạn xưa vắng bến, có hay tôi về?
Một mình lặng lẽ ven đê
Buồn vui, thương nhớ trăm bề ngổn ngang
Âm thầm rũ bụi thời gian
Nâng niu kỷ niệm trước ngàn bão giông
Bến xưa gìn giữ trong lòng
Cây đa, quán nước, dòng sông, con đò…
Trọng Luân

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

‘Bố Già’ - bộ phim tiệm cận sự hoàn hảo

The Godfather luôn được cánh đàn ông xếp hàng đầu trong những tác phẩm điện ảnh ưa thích nhất bởi đây được coi như “Bố già” của dòng phim gangster. Thể loại phim này chính là thứ “đặc sản” của nước Mỹ với tất cả những gì tinh túy nhất của điện ảnh. 

Trên tất cả diễn xuất, kịch bản, âm nhạc tuyệt vời hay ý nghĩa sâu xa, The Godfather quyến rũ phái mạnh bởi nó thỏa mãn những giấc mơ thầm kín nhất của họ. Có gã trai nào mà chưa từng thầm ước có được bộ óc tài năng, vẻ ngoài điển trai đậm chất Italy và quyền lực như Michael Corleone? Dù có làm việc gì, Michael cũng thể hiện rõ khí chất hơn người và sự hoàn mỹ: học hành sáng giá từ nhỏ, đi lính về với huân chương đính đầy ngực áo và sau này là ông trùm khiến tất cả kính nể. Chỉ cần một cái quắc mắt từ anh là đám tay chân phải khiếp vía, một cái uy không phải sinh ra đã có mà phải đạt được nhờ sự tôi rèn, trải nghiệm.





Mario Puzzo đúc kết số phận hai cha con nhà Corleone bằng câu “đàn ông sinh ra không vĩ đại mà họ trưởng thành để rồi vĩ đại”. Chính những hình mẫu đạt đến đỉnh cao – dù bằng nhiều cách khác nhau như thế - đã góp phần biến The Godfather trở thành cuốn sách, bộ phim “gối đầu giường” của nhiều thế hệ đàn ông.F. Scott Fitzgerald từng thốt lên: “Thật không có lửa nào đủ nóng, cũng chẳng tươi mới nào đủ nồng so với những ám ảnh chứa chất trong lòng một kẻ nam nhi”, và The Godfather chính là bộ phim sẽ làm thỏa những suy nghĩ thầm kín ấy. 
Những bài học đắt giá trong tác phẩm Bố già
Luôn biết giữ lời hứa và không can thiệp vào cuộc sống gia đình người khác
Trong tác phẩm, tác giả có nhắn nhủ với độc giả rằng việc giữ lời hứa cũng quan trọng như việc giữ sinh mạng của bản thân. Một khi đã hứa thì nhất định phải làm, không được coi nhẹ lời hứa. Bên cạnh đó, Mario muốn nhắn nhủ với độc giả qua tác phẩm rằng chuyện vợ chồng là chuyện riêng, không một ai nên can thiệp vào chuyện của họ.


Biết cách kiềm chế bản thân

Ông trùm Vito luôn biết cách kiềm chế cảm xúc của bản thân, bình tĩnh trước mọi sóng gió ập đến gia đình ông. Vì vậy, việc để lộ ra cảm xúc của mình không khác nào việc mình đưa cổ cho kẻ thù kết liễu.


Biết học hỏi từ sai lầm của chính mình

Cuộc đời của Vito không thiếu những sai lầm. Nhưng quan trọng là ông biết học hỏi từ những sai lầm và tự mình đứng dậy. Ông chắc chắn rằng, để bản thân không mắc phải sai lầm đó thêm một lần nữa, thì chúng ta phải học hỏi từ những sai lầm ấy.

Luôn dành thời gian cho gia đình

“Một người đàn ông không dành thời gian ở cùng với gia đình mình sẽ không bao giờ có thể là một người đàn ông chân chính.” – trích Bố già
Gia đình chỉ có một, vậy nên đối với ông gia đình là sự lựa chọn đầu tiên trong tất cả những sự lựa chọn khác như công việc, mối quan hệ xã giao,…

Vũ lực là lựa chọn cuối cùng

Bố già quả thực là một người hiểu biết sâu sắc, ta có thể thấy rằng trước khi đi đến hành động vũ lực. Ông đã cố gắng ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn. Vì ông hiểu được rằng vũ lực sẽ không bao giờ mang lại được kết quả tốt nhất. Một khi đã lựa chọn vũ lực thì hậu quả để lại sẽ rất nặng nề. Không chỉ liên quan tới tính mạng con người mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người liên quan.



 Đã đọc truyện và xem phim này nhiều lần. Phim  và bài hát  hay

Tô Đông Pha nhà văn, nhà thơ

Tô Đông Pha, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống từng nói "đại dũng nhã khiếp, đại trí nhã ngu", ý muốn nói, kẻ dũng mãnh thực sự bề ngoài trông có vẻ nhát gan, kẻ trí tuệ đích thực bề ngoài trông lại giống như một tên ngốc.
Ông cũng nói "người thông minh, không tranh nghĩa khí nhất thời".
Đối với người thông minh mà nói, trí tuệ lớn nhất chính là quản được cái miệng của mình, biết những lời nào không nên nói, việc nào không nên hỏi.


3 KHÔNG HỎI
1. Không liên quan đến bạn, đừng hỏi
Có người nói, thế gian này chỉ tồn tại hai chuyện: chuyện liên quan tới bạn, chuyện liên quan tới tôi.
Con người thường có xu hướng quan trọng hóa bản thân, cho rằng trái đất không có mình sẽ ngừng quay. Thực ra, bạn không quan trọng tới vậy, trái đất không có bạn vẫn sẽ quay đều, người khác không có bạn vẫn có thể sống tốt.
Chuyện không liên quan tới bạn, đừng cứ đâm đầu đi nghe ngóng cho bằng được. Có thể bạn có ý tốt, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được ý tốt đó của bạn, lòng tốt của bạn lỡ làm mọi chuyện xấu đi, vậy thì không những sẽ thêm rắc rối cho người khác mà bản thân cũng chẳng thể yên.
2. Tương lai bất định, không hỏi
Người Trung Quốc có câu nói "muộn thanh phát đại tài", ý muốn nói, đôi khi, im lặng, không khoa trương là một cách để bảo vệ lợi ích của bản thân, đối với những việc chưa biết trong tương lai, tốt nhất đừng nên hỏi đông hỏi tây, cứ tiếp tục âm thầm nỗ lực là được.
Chẳng ai có thể nắm bắt được tương lai, thứ chúng ta có thể làm tốt chính là nắm chắc hiện tại.
Đối với những chuyện chưa xảy ra, vội vàng thăm dò, nghe ngóng ngược lại sẽ chỉ khiến mình thêm hoang mang, tâm trạng bị nhiễu loạn, làm việc không thể chuyên tâm, hiện tại không thể chuyên tâm nỗ lực, tương lai vĩnh viễn sẽ chỉ là ảo tưởng.
Ngạn ngữ dân gian Trung Quốc có nói: "đản hành hảo sự, mạc vấn tiền trình", làm tốt chuyện nên làm, nỗ lực cho hiện tại, không hỏi tương lai, không vấn vương quá khứ.
3. Truy cứu tới cùng, không hỏi
Trong học tập, hỏi tới cùng là rất tốt, nhưng trong cuộc sống, truy cứu tới cùng ngược lại sẽ làm tổn thương tình cảm.
"Nước trong không có cá, người quá tò mò không ai chơi", đào tới tận gốc rễ vấn đề, đào càng sâu, vết thương càng lớn.
Hồ đồ là một môn học, đôi khi, giả ngốc, mắt nhắm mắt mở ngược lại lại là một sự bảo vệ. Đối với những việc người khác không muốn bạn biết, vậy thì đừng hỏi tới cùng, cứ nhất thiết phải làm rõ trắng đen mới thôi.
Thế giới không phải trắng đen rõ ràng, giữa trắng và đen còn tồn tại một mảng màu xám.
Bất luận là bạn bè hay người yêu, bất luận là cha mẹ hay con cái, ai cũng đều cần có một không gian hít thở riêng, cũng có những bí mật, cảm xúc không thể nói ra, bạn hiểu là được rồi.

5 KHÔNG NÓI
1. Lời vô nghĩa
Lời nói tuy không sắc nhọn nhưng vẫn có thể giết chết một con người.
Ngôn luận, lời nói là thứ vũ khí lợi hại nhất, đôi khi, những lời nói vô tình, không đâu truyền đi truyền lại, lại trở thành chân lý.
Người thông minh không nói những điều vô ích, cũng chẳng quan tâm mấy lời vô nghĩa. Lúc rảnh rỗi chi bằng nhìn lại bản thân nhiều hơn, mấy lời nói vô nghĩa chỉ càng làm tốn thời gian.
Lãng phí thời gian là một hành động tự sát chậm rãi, lãng phí thời gian của người khác lại là mưu tài hại mệnh họ.
Người thông minh là những người điều khiển thời gian, mỗi giây mỗi phút, mỗi lời nói ra đều là vàng ngọc, không nói những lời vớ vẩn không đâu.
2. Tiếng lòng
Phàm là nói chuyện với ai, cũng chỉ nên nói 3 phần, đừng dại mà "móc cả trái tim" của mình ra cho người khác thấy.
Vẽ người vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng. Lòng người cách một lớp da, da người dày mỏng khó đoán, đôi khi những lời thật lòng của bạn lại trở thành con dao người khác dùng để găm vào chính bạn.
Quen biết thì ít mà lời nói ra thì nhiều là đại kị của con người, đừng cứ gặp ai đều ngay lập tức xem là bạn tốt, đừng mang tất cả những lời trong lòng ra nói với người khác.
Quá trình trưởng thành của con người chính là quá trình hiểu ra thế giới vốn dĩ là sự cô đơn, độc lập.
Bớt móc hết tâm can của mình ra cho người khác xem, những chia sẻ, tâm sự của bạn, không phải ai cũng trân trọng, đôi khi nó chỉ là trò cười trong mắt người khác.
Dẫu sao, lời trong lòng cần nói với người thực sự hiểu và muốn hiểu.
3. Lời ca thán
Mất bò làm chuồng chẳng cứu vãn, oán thiên hận người có ích chi. Bớt ca thán, oán than, gặp vấn đề, trước tiên hãy tìm nguyên nhân từ chính mình.
Ngưỡng mộ người khác, được, nhưng ngưỡng mộ không được trở thành đố kị. Ngưỡng mộ đơn thuần sẽ trở thành động lực thúc bạn tiến về phía trước, không ngừng phấn đấu.
Nhưng ngưỡng mộ khi bị biến chất trở thành đố kị, vậy thì tâm lý sẽ nảy sinh sự mất cân bằng, hành vi sẽ trở nên lệch lạc.
Bớt ca thán lại, đừng trở thành người lan tỏa năng lượng tiêu cực. Con người, ai cũng thích ánh mặt trời ấm áp, chẳng ai thích mây mù âm u. Lời oán thán nhiều rồi, bạn bè tự nhiên sẽ ít đi.
Có sức ngồi ca thán chi bằng bắt tay vào lao động cho có ích.
4. Lời giả dối
Giả không bao giờ có thể thành thật, dù có mỹ hóa tới đâu, lời nói giả dối rồi cũng sẽ có ngày bị xuyên thủng, cũng giống như bong bóng, dù dưới ánh mặt trời có đẹp đẽ tới đâu, rồi cũng sẽ bị nổ.
Người thông minh không nói lời giả tạo. Bạn nói một lời giả dối, phải dùng hàng trăm ngàn sự ngụy biện khác để "nặn tròn" nó, khiến nó trở nên hoàn hảo, cũng giống như lăn quả cầu tuyết vậy, càng lăn càng to, cuối cùng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Một lần bạn nói dối là một lần bạn để lại cho người khác một cái mác không đáng tin, mác gắn lên không dễ, tháo xuống lại càng khó.
5. Lời khoác lác
Biết người là kẻ trí tuệ, biết mình là người thông minh, con người, quý ở tự biết mình.
Người thông minh trước giờ không khoác lác, huênh hoang, không "chém gió". Họ không bao giờ tùy tiện hứa với người khác việc gì nằm ngoài khả năng của mình.
Chỉ người thông minh thực sự mới không để ý tới sĩ diện, không cần phải dùng sự khoác lác để lấp đầy sự hư vinh, sĩ diện hão của mình.
Không khoác lác, người quân tử, lời nói ra chắc như đinh đóng cột, chuyện không làm được nhất định không đồng ý.
Người thực sự thông minh trước giờ không biết mình có thể làm gì, mà biết mình không nên làm những gì.
Không phải lời nào cũng nói, cũng không phải việc gì cũng hỏi, khi bạn học được cách "ngậm miệng" đúng lúc là khi bạn nắm bắt được trí tuệ đời người.

Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .