Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

Nghịch lý chủ nhà băng

Hãy tưởng tượng bạn là một chủ nhà băng sở hữu một lượng tiền hữu hạn có thể cho vay. Nếu bạn cho những khách hàng có mức độ rủi ro cao vay, thực sự bạn đang chơi một canh bạc liều lĩnh vì con nợ của bạn có thể không trả được nợ và tài sản của bạn cũng tiêu tán. Điều này tạo ra một nghịch lý: Những người cần tiền chính là những người có mức độ rủi ro cao nhất và vì thế khó lòng vay được tiền, trong khi đó những người ít cần tiền nhất lại có mức độ rủi ro thấp nhất – và thế là người giàu càng giàu thêm. Hai nhà tâm lý học tiến hoa John Tooby và Leda Cosmides đã gọi đây là Nghịch lý chủ nhà băng, và họ đã áp dụng nó vào một vấn đề sâu sắc hơn: chúng ta nên kết bạn với ai? 



Họ cho rằng Nghịch lý chủ nhà băng “cũng tương tự như một vấn đề nghiêm trọng mà tổ tiên chúng ta gặp phải trong quá trình thích nghi với cuộc sống: lúc một người nguyên thủy cần được giúp đỡ nhất cũng là lúc người đó có mức độ rủi ro caovà vì thế không còn đủ hấp dẫn để được trợ giúp”. 

Nếu xem cuộc sống giống như một nền kinh tế và những nguồn lực là bất cứ thứ gì chúng ta sẵn có để giúp đỡ người khác – đặc biệt bao gồm tình bạn – theo logic của Nghịch lý chủ nhà băng, sẽ có những lựa chọn rất khó khăn khi đánh giá mức độ tin cậy của những người chúng ta gặp. Theo thuyết tiến hóa, lòng vị tha là vấn đề lớn hơn được đặt ra ở đây: tại sao tôi phải hy sinh gene của tôi vì gene của người khác? Hoặc mang tính kỹ thuật hơn, vị tha là hành động làm giảm khả năng sinh tồn của tôi đồng thời làm tăng khả năng sinh tồn của người khác.


Các lý thuyết chuẩn mực cho rằng có hai con đường tiến hóa dẫn tới sự vị tha: lựa chọn theo huyết thống (một giọt máu đào hơn ao nước lã) và vị tha tương hỗ (có đi có lại). Giúp đỡ những người gần gũi thân thiết hoặc những người sẽ đền đáp lòng vị tha của tôi nghĩa là tôi đang giúp chính mình. Vì thế, sự lựa chọn sẽ hướng đến những người có xu hướng vị tha ở mức độ nào đó. Bị giới hạn bởi các nguồn lực, chúng ta không thể giúp đỡ tất cả mà phải đánh giá mức độ rủi ro của mỗi người, và sẽ có một số người ít rủi ro hơn những người khác. 
Một lần nữa Nghịch lý chủ nhà băng lại xảy ra: Những người nguy khốn nhất lại ít có cơ may được giúp đỡ nhất, và thế là người giàu càng giàu thêm. Nhưng không phải khi nào cũng vậy, có những người bạn lúc sóng êm biển lặng giả vờ tỏ ra vị tha, nhưng khi trời nổi giông bão thì họ chẳng buồn cứu giúp chúng ta. Ngược lại, những người bạn thực sự là những người luôn bảo vệ lợi ích của chúng ta mà không hề đòi hỏi sự đền đáp. “Những bạn bè xấu thường đeo mặt nạ trung thành”, Tooby và Cosmides phân tích, “ Nếu bạn sống ở thời nguyên thủy và không có ai quan tâm sâu sắc đến lợi ích của bạn, khi đó bạn rất dễ bị tổn thương trước các sự kiện bất ngờ – trở thành con tin của số mệnh.” 
Môi trường sống càng tồi tệ, càng cần thiết phải có những người bạn thực sự, và trong quá khứ, môi trường sống của con người không hề giống một chuyến dã ngoại êm đềm.



Tiến hóa là một quá trình chọn lọc theo khả năng thích nghi và hành xử theo Nghịch lý chủ nhà băng, trong đó chúng ta phải
(1) cố gắng để được những người xung quanh ghi nhận sự thành thực và đáng tin cậy, 
(2) trau dồi những thuộc tính được ưa chuộng nhất trong cộng đồng, 
(3) tham gia những hoạt động cộng đồng nhằm nhận diện và củng cố những thuộc tính thiên về xã hội, 
(4) tránh những hoạt động cộng đồng gây mất uy tín và để lại tai tiếng,
(5) chú ý đến những đặc điểm đáng tin cậy ở người khác và 
(6) rèn khả năng phân biệt bạn bè chân thành và bạn bè hời hợt. 
Vì thế, Tooby và Cosmides kết luận, Nghịch lý chủ nhà băng, giải thích cho vấn đề thuộc lĩnh vực tâm lý học tiến hóa: “Nếu bạn có tầm quan trọng đặc biệt hoặc duy nhất với ai đó – dù vì bất cứ lý do nào – người đó cũng sẽ có sự quan tâm trên mức thông thường đối với sự tồn tại của bạn khi gặp khó khăn. Sự quan tâm ấy khiến người đó trở nên quan trọng với bạn. Lý do ai đó “đầu tư” vào bạn chính là vì bạn cũng “đầu tư” vào người đó. Hơn nữa, khi nhận ra điều này ở mức độ nào đó, có thể sự quan tâm ban đầu họ dành cho bạn sẽ gia tăng.” Với sự gia tăng này, người nghèo có thể trở nên giàu có nhờ sự phát triển nền tảng tình bạn.

BA -12-6-22

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Tập trung vào giá trị

Trong quá trình kinh doanh giá trị, bạn hãy chú trọng vào việc giải thích những giá trị và lợi ích khách hàng sẽ nhận được nếu họ mua hàng của mình. Thay vì giảm giá hay cho hưởng giá ưu đãi đặc biệt, hãy tập trung nỗ lực xây dựng giá trị. Điều này chỉ có ý nghĩa khi khách hàng cảm nhận được giá trị mà họ nhận lớn hơn nhiều so với chi phí mua hàng. Hãy tập trung làm cho giá trị ngày càng lớn hơn thay vì thực hiện giảm giá bán.


Bán hàng cho các doanh nghiệp nhỏ
Có nhiều người bán hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho những doanh nghiệp mới khởi sự kinh doanh. Nếu những người bán hàng đó không cẩn trọng, họ dễ sa đà vào việc giới thiệu những đặc điểm và lợi ích của sản phẩm mà không dành thời gian để xác định chính xác loại khách hàng nào mà họ cần nói chuyện.

Doanh nghiệp nhỏ thành công vì họ tập trung hầu hết nguồn lực vào việc bán hàng và làm hài lòng khách hàng. Họ ít kiên nhẫn với những gì quá chi tiết. Họ coi sổ sách, công việc kế toán hay tài chính là những thứ không mong muốn những vẫn cần phải có, những việc mà họ bắt buộc phải thực hiện trong quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ, do vậy, hãy nói về chuyện mua bán và lợi nhuận.

Nếu một người bán hàng cố gắng bán cho một chủ doanh nghiệp máy tính và phần mềm có thể giúp họ cải tiến khâu kế toán thì họ chỉ liếc qua mà thôi. Họ sẽ mất hứng thú với bạn ngay tức thì. Họ không coi kế toán liên quan tới lợi nhuận, họ không phải là người mà bạn cần nói chuyện. 

Các doanh nghiệp nhỏ quan tâm tới chuyện kinh doanh và dòng tiền. Họ quan tâm tới việc liên lạc với khách hàng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ làm hài lòng khách hàng. Họ tập trung vào hiệu quả và uy tín của hàng hóa mà mình cung cấp. Họ quan tâm tới doanh thu, lợi nhuận và sự tăng trưởng. Họ không quan tâm tới những vấn đề chi tiết trong nội bộ. Để bán được hàng, bạn cần tập trung thời gian và sức lực để tìm ra chính xác nguyên nhân khiến khách hàng mua hàng.

Bạn càng dành nhiều thời gian để xác định rõ nhu cầu cụ thể thỏa mãn khách hàng, thì bạn càng dễ thuyết trình và bán được hàng.

Bán hàng cho các đại lý bán lẻ
Những đại lý mua sản phẩm của bạn để rồi đem bán lại chỉ quan tâm một chuyện: lợi nhuận ròng. Họ không quan tâm sản phẩm đó là gì mà chỉ quan tâm sản phẩm có tác dụng gì và ảnh hưởng thế nào tới mục đích cuối cùng của họ. Lợi ích quan trọng nhất mà một sản phẩm hay dịch vụ có thể mang lại cho đại lý bán lẻ là gia tăng lợi nhuận ròng.
Lợi ích quan trọng nhất mà một sản phẩm hay dịch vụ có thể mang lại cho đại lý bán lẻ là gia tăng lợi nhuận ròng.

Bán hàng cho các doanh nghiệp lớn
Các doanh nghiệp chỉ mua những sản phẩm có thể giúp họ cải thiện hiệuquả và năng suất, cắt giảm chi phí hay tăng vòng quay dòng tiền và lợi nhuận. Bạn cần nắm rõ những lợi ích cao nhất mà sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể mang tới cho khách hàng. Lợi ích đó có thể cải thiện năng suất, có thể làm gia tăng hiệu quả của cả thiết bị và người sử dụng, giúp khách hàng có kết quả kinh doanh khả quan hơn, làm hài lòng người mua hơn nữa. Nếu bạn có thể thuyết phục doanh nghiệp khách hàng rằng loại hàng mà bạn đang bán có thể tạo ra hay tiết kiệm tiền bạc và thời gian nhiều hơn giá mua hàng, khi đó bạn sẽ bán được hàng. Đây là yếu tố quyết định khi bán hàng cho các doanh nghiệp.

Tập trung vào lợi ích cơ bản
Trong một buổi hội thảo, một người phụ nữ kinh doanh hệ thống tự động văn phòng đã nói với tôi: “Tôi dường như không thể gặp được khách hàng. Tôi giới thiệu rằng chúng tôi tư vấn các hệ thống tự động hóa văn phòng, nhưng họ luôn bảo không quan tâm.”
Cô nói rằng thông thường công ty có thể tiết kiệm cho khách hàng một khoản tiền kha khá nếu có cơ hội kiểm tra thiết bị của họ và đưa ra các đề xuất. Tôi hỏi cô về cách tiếp cận khách hàng.
Cô nói: “Tôi gọi điện và nói “Xin chào, tôi là Betty Dean, gọi từ Công ty Dịch vụ Tự động hóa Văn phòng. Tôi muốn có cơ hội được giới thiệu về sản phẩm của chúng tôi, có thể làm gia tăng hiệu quả và vận hành thông suốt các hoạt động trong văn phòng.” Nhưng họ luôn nói những câu như: “Không, cảm ơn. Tôi rất bận, bây giờ chúng tôi không có thời gian, chúng tôi không đủ tiền mua, chúng tôi không có ngân sách cho việc này” và cứ như vậy mãi.”



Xem lại cách tiếp cận
Người bán hàng này đã mắc một sai lầm khi cố gắng thực hiện cuộc gọi chào hàng, cách tốt hơn là bước đầu cô chỉ nên tìm cách hẹn gặp khách hàng. Tôi có gợi ý cô nên thử tiếp cận khách hàng bằng cách khác: lần sau cô hãy gọi điện và yêu cầu được nói chuyện với người phụ trách hành chính. Khi đã tiếp cận được họ, cô hãy nói: “Xin chào, tôi là Betty Dean, tôi gọi từ công ty ABC. Chúng tôi đã xây dựng một quy trình có thể tiết kiệm cho quý công ty từ 20–30% chi phí quản lý văn phòng. Sẽ chỉ mất khoảng 10 phút để giới thiệu cách hoạt động của quy trình và quý vị có thể tự quyết định đó có phải là thứ mà quý vị đang tìm kiếm hay không.” Sau này, cô nói với tôi rằng đó là một thay đổi đơn giản về cách tiếp cận, nhưng nó cho phép cô gặp được tất cả khách hàng cần thiết. Doanh số tăng gấp đôi, gấp ba và cô đã nhanh chóng kiếm được tiền nhiều hơn trước.

Hãy nói những điều khách hàng muốn nghe
Nghe thật đơn giản, song hàng nghìn người bán hàng đã rất tâm đắc khi họ hiểu được quy tắc này. Không phải bận tâm tới các sản phẩm tự động hóa văn phòng, rồi máy tính, máy chủ, kết nối không dây, điện thoại di động hay những thứ khác nữa, người làm kinh doanh chỉ quan tâm tới chuyện làm ra hay tiết kiệm tiền bạc và thời gian. Họ quan tâm tới cách đạt được kết quả tốt hơn và gia tăng lợi nhuận.

Có hai cách doanh nghiệp có thể gia tăng lợi nhuận. Có thể tăng doanh thu, giữ cho chi phí không đổi, hay có thể làm giảm chi phí và giữ cho doanh thu không đổi. Cho dù bạn đang bán loại hàng hóa gì chăng nữa thì bạn cũng cần phải mô tả hàng hóa đó theo một trong hai cách làm tăng lợi nhuận, hay cả hai.

Nếu bạn nói chuyện với người phụ trách hành chính, anh ta quan tâm tới chuyện giảm chi phí, nếu bạn nói chuyện với người phụ trách marketting hay bán hàng, chị ta lại quan tâm tới chuyện tăng doanh thu và lợi nhuận, còn nếu bạn nói chuyện với ông chủ, có lẽ ông ta muốn cải thiện nền tảng kinh doanh. Bạn cần phải giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của mình theo cách mà khách hàng muốn, chứ không phải giới thiệu bạn đang bán cái gì.

Khách hàng trả tiền cho cái gì?
Bí quyết để bán được hàng là bạn hãy hỏi xem một người làm gì và đạt được kết quả ra sao, điều gì đã định hướng công việc của anh ta, anh ta trả tiền cho cái gì, anh mong mỏi công ty đạt được thành công gì, anh ta đánh giá các lãnh đạo như thế nào? Đó là những gợi ý cho bạn hỏi để tìm ra câu trả lời.
Như chúng ta đã nói, mọi người luôn tìm cách cải thiện tình hình. Họ sẽ chỉ mua hàng nếu kết quả đem lại khả quan hơn. Trong các cơ quan, mọi người sẽ chỉ duyệt mua hàng nếu họ cảm thấy điều đó cải thiện vị trí cá nhân của họ trong tổ chức.
Ví dụ, bạn đang quảng bá một hệ thống đào tạo bán hàng với người quản lý bán hàng, là người ra quyết định trong mảng này. Toàn bộ phần thuyết trình của bạn cần tập trung vào việc làm sao để nâng cao hiệu quả bán hàng hơn là làm tăng lợi nhuận. Người phụ trách bán hàng không chịu trách nhiệm về khả năng sinh lợi nhuận mà về kết quả làm việc của nhân viên bán hàng.
Hãy tập trung vào những lợi ích mà khách hàng này quan tâm, hơn là những lợi ích chung chung không có tác dụng tới công việc hay lương thưởng của họ.

Lợi ích doanh nghiệp và lợi ích cá nhân
Các chuyên gia bán hàng thường phân biệt rõ giữa “mục tiêu của doanh nghiệp” và “mục tiêu của cá nhân”. Đạt mục tiêu của doanh nghiệp nghĩa là công ty thu được lợi ích từ việc sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Đạt mục tiêu cá nhân nghĩa là cá nhân sẽ hưởng lợi ích khi sản phẩm của bạn được công ty vận hành thành công. Công ty sẽ chỉ mua nếu họ nhận thấy có lợi ích cho cả hai phía.

Bạn hãy dành thời gian xác định cách để cá nhân khách hàng cũng được hưởng lợi từ đó, như thu nhập cao hơn, thuận tiện hơn, thậm chí là có uy tín hơn và được mọi người trong công ty nể trọng. Đây có thể sẽ là những yếu tố chính dẫn tới quyết định mua hàng.



Khám phá các nhu cầu cơ bản
Điều cốt yếu khi lập bản phân tích các nhu cầu cơ bản là biết đặt câu hỏi một cách thuần thục và biết thận trọng lắng nghe. Những người bán hàng giỏi nhất thường nhận phần lắng nghe và để cho khách hàng nhận phần nói. Khi nói chuyện, bạn hỏi càng nhiều và kiên nhẫn chăm chú lắng nghe các câu trả lời thì khách hàng càng cởi mở.

Mọi người đều dành hầu hết thời gian để nghĩ về bản thân. Dù có chuyện gì chăng nữa thì suốt ngày người ta đều luôn lẩn quẩn với những vấn đề và mối bận tâm của chính họ. Điều quan trọng nhất đối với mỗi người là việc đang chiếm trọn tâm trí anh ta. Khi bạn đặt câu hỏi và chăm chú lắng nghe, bạn đã khơi gợi mối quan tâm và suy nghĩ của khách hàng. Và mọi việc đều có thể định đoạt ngay trong cuộc trò chuyện đó.

Nói hớ
Trong những phân tích về tâm lý, đây được gọi là lời nói hớ. Các chuyên gia tâm lý đã phát hiện ra rằng nếu bạn để cho một người nói về bản thân một cách thoải mái thì thế nào cũng có lúc họ sẽ nói hớ. Họ sẽ bộc bạch những điều mà họ thật sự đang nghĩ. Việc của các chuyên gia tâm lý là tạo ra một môi trường thật thoải mái để bệnh nhân có thể bộc lộ cởi mở và thành thật.

Theo cách nào đó thì bạn cũng được coi là chuyên gia tâm lý trong bán hàng. Mục tiêu của bạn cũng là tạo ra một môi trường thật thoải mái: đặt các câu hỏi hay, chăm chú lắng nghe câu trả lời, ngả người về phía trước, gật đầu, mỉm cười và đừng cố ngắt lời khách hàng.

Sử dụng câu hỏi mở
Những câu hỏi tốt nhất để mở ra một cuộc trò chuyện và có được nhiều thông tin từ khách hàng là câu hỏi mở. Đó là những câu hỏi bắt đầu bằng đại từ hay phó từ như là gì, ở đâu, khi nào, như thế nào, ai, tại sao. Đây là những câu hỏi không thể trả lời là có hay không. Chúng cần câu trả lời rộng hơn, cho bạn cơ hội nắm bắt nhu cầu thực chất của khách hàng mà sản phẩm của bạn có thể thỏa mãn được.

Có một nguyên tắc là “kể lể không bán được hàng”, chỉ đặt câu hỏi mới bán được hàng. Không sáng tạo khi bạn kể lể về sản phẩm hay dịch vụ. Tuy nhiên lại rất hay nếu bạn chuyển thông tin dưới hình thức đặt một loạt câu hỏi từ khái quát tới cụ thể.

Ngày nay, mọi người đều không muốn bị ép buộc phải mua. Có thể họ muốn mua, nhưng họ không muốn có cảm giác bị ép mua. Khi khách hàng cảm thấy bị buộc phải quyết định mua hàng, họ sẽ ngừng ngay và mất hết hứng thú cũng như sự quan tâm.

Người đặt câu hỏi là người kiểm soát tình hình
Như một quy luật, người đặt câu hỏi luôn là người kiểm soát tình hình. Người trả lời câu hỏi là người bị kiểm soát. Chừng nào bạn đặt câu hỏi và chăm chú lắng nghe câu trả lời thì bạn là người đang kiểm soát cuộc trò chuyện, và nên như vậy. Còn nếu bạn là người trả lời câu hỏi của khách hàng thì khách hàng lại là người kiểm soát.

Nếu khách hàng hỏi lại bạn chứ không chỉ thụ động trả lời (hầu hết mọi người đều như vậy), khi đó bạn hãy tạm ngừng hỏi, thở một hơi và nói: “Đó quả là một câu hỏi hay. Nhưng trước hết tôi có thể hỏi ông điều này?”

Hay nói cách khác, bạn hãy đón nhận câu hỏi đó và lấy lại quyền kiểm soát bằng cách đưa ra câu hỏi của mình. Bạn làm vài lần thì mọi việc sẽ trở nên tự nhiên và chủ động mà khách hàng vẫn không hề biết chuyện gì đã xảy ra. Và bạn sẽ tiếp tục kiểm soát.


BA 8-6-22

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

HÃY ĐỂ TƯ DUY TÍCH CỰC HOẠT ĐỘNG

1. Người lãnh đạo phải suy nghĩ tích cực để khơi dậy được điểm tốt nhất ở cấp dưới của họ.

2. Suy nghĩ tích cực là tài sản giá trị trong mọi lĩnh vực của cuộc sống: chính quyền, quân đội, kinh doanh và gia đình.

3. Suy nghĩ tích cực thường xuyên và kiên định để trung hòa ảnh hưởng xấu từ những người tiêu cực mà bạn gặp. Hãy tự tin và bạn sẽ hoàn thành kỳ tích này.

4. Hãy giữ người tốt và tích cực làm bạn, tránh càng xa người tiêu cực càng tốt. Cả hai kiểu người này đều sẽ ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của bạn.
5. Hãy nhìn nhận mỗi người như những gì họ có mà không hấp tấp đưa ra đánh giá. Ai cũng đều có mặt xấu và mặt tốt, nhưng hãy cố hết sức để tập trung và trân trọng điểm tốt.
6. Hãy nhận ra khi nào suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong đầu bạn và sử dụng câu thần chú này: “Mình làm chủ suy nghĩ của mình.”
7. Có hai loại suy nghĩ: một là những gì ta muốn nghĩ, hai là những gì tự động xuất hiện. Ít nhất 80% suy nghĩ của ta là loại thứ hai. Hãy dùng nhận thức của mình để nắm bắt chúng và cuối cùng chúng sẽ mờ đi. Suy nghĩ mà bạn thực sự lựa chọn sẽ có hiệu quả tốt hơn.
8. Suy nghĩ tích cực về những gì có thể được coi là chướng ngại vật và bạn sẽ được hoàn thiện từng ngày.
9. Đừng cố gắng thay đổi người khác. Hãy để họ sống theo cách của họ. Thay đổi bản thân mình và phép màu sẽ xảy ra với bạn và với cuộc đời mọi người.
10. Thành Rome không được xây dựng chỉ trong một ngày, nhưng nó
có thể bị phá hủy chỉ trong một ngày. Hãy cẩn thận với suy nghĩ và hành động tiêu cực vì chúng có thể nhanh chóng phá hỏng tất cả những kết quả tích cực bạn có được trong đầu người khác và ngay cả chính bạn.



NGHỀ NGHIỆP "TÍCH CỰC" VÀ "TIÊU CỰC"
Dù bạn làm nghề nào đi chăng nữa, người khác cũng có định kiến về nó. Định kiến là nguyên nhân dẫn tới việc họ phản ứng với bạn tích cực hay tiêu cực.

Bác sỹ, đặc biệt là trước kia, được coi trọng và nhìn nhận như những người thực sự muốn giúp đỡ người khác. Hình ảnh này mạnh đến mức ngay cả một tên trộm cũng không tấn công bác sĩ và cảnh sát thường làm ngơ cho hành động xấu của họ. Tuy nhiên, định kiến này đang mất dần đi, một trong những yếu tố gây ra điều đó là giá cả của các dịch vụ chăm sóc y tế ở một số quốc gia tăng đột biến.

Cảnh sát là người luôn có hình ảnh tiêu cực không thể tránh khỏi vì yêu cầu suy nghĩ tiêu cực của họ. Việc gặp một nhân viên cảnh sát trên phố có thể làm dấy lên cảm giác hoang mang và chúng ta bắt đầu tự hỏi không biết liệu mình có làm gì để bị nghi ngờ không nhỉ. Nhân viên cảnh sát phải nghe quá nhiều câu chuyện tiêu cực lặp đi lặp lại; không ai gọi một người cảnh sát để kể rằng họ đã có một ngày tuyệt vời. Cảnh sát phải luôn cẩn trọng để không sa lầy vào công việc của mình quá sâu. Tầm quan trọng của việc duy trì nhận thức khoảnh khắc hiện tại trong suy nghĩ của một người cần được nhấn mạnh ở trường, và nó phục vụ cho chức năng sống còn ở một trường đào tạo cảnh sát để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các sĩ quan khi thực sự làm việc sau này.

Dạy học là một nghề nghiệp cần nhiều suy nghĩ tích cực. Các thầy, cô giáo mang một trách nhiệm rất lớn vì họ là người tạo nên tương lai của cả một đất nước. Mỗi học trò đều có một hoàn cảnh gia đình riêng, năng lực cảm xúc và tư duy riêng. Giáo dục một đứa trẻ có sẵn suy nghĩ tích cực không khó, nhưng động viên một đứa trẻ tiêu cực bẩm sinh phá bỏ những điều xấu thực sự là một thử thách. Để duy trì danh tiếng của một ngôi trường thì việc loại bỏ học sinh kém là có thể hiểu được nhưng làm như vậy sẽ để lại dư âm vô cùng tiêu cực đến cả cuộc đời sau này của những đứa trẻ ấy. Đối với chúng, cơ hội được hoàn thiện mình khi bị xếp ra ngoài môi trường tích cực của học đường giảm đi đáng kể và khả năng phạm pháp sẽ gia tăng. Đây không phải chỉ là một nguy cơ với đứa trẻ và gia đình chúng mà còn với toàn xã hội.

Y tá là nghề có cơ hội lan tỏa năng lượng tích cực vô số lần trong ngày. Họ không chỉ tiếp xúc với những đau đớn thể chất mà họ còn phải đối mặt với chấn thương tình cảm của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Y tá tốt biết cần phải làm gì: họ giữ cho mình thản nhiên nhưng duy trì sự tích cực và gửi năng lượng này đến người bệnh và người nhà của họ. Khi một người không khỏe, vô thức thường nhạy cảm hơn bình thường nên sự thiện chí và tích cực từ y tá sẽ được ghi nhận đến tận rất lâu sau này.

Sự khác biệt nổi bật giữa con đường trước mặt một người suy nghĩ tiêu cực và tích cực cũng rõ ràng như chặng đường phía trước một người bắt đầu cuộc du hành nguy hiểm nhưng đeo băng bịt mắt với một người đi thẳng về phía mặt trời chiếu sáng. Trong khi người suy nghĩ tiêu cực thường rầu rĩ vì bóng tối quanh mình thì người suy nghĩ tích cực sẽ đi thẳng, và tắm mình trong ánh sáng chan hòa. Về bản chất tự nhiên của mọi giống loài, bất kể thực vật hay động vật đều hướng về phía mặt trời để tìm được nguồn năng lượng sống còn. Cũng như vậy, con người cũng được dẫn dắt bởi sức mạnh của vô thức về phía ánh sáng bắt nguồn từ những tư duy tích cực vĩ đại nhất của thế giới
BA 4-6-22

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

TƯ DUY VÀ CẢM XÚC SUỐI NGUỒN CỦA HIỆN THỰC

1. Suy nghĩ tích cực sẽ mang tới vô vàn khả năng. Suy nghĩ tiêu cực triệt tiêu chúng.
2. Khi suy nghĩ đã trở thành cảm xúc, chúng sẽ được bộc bạch ra thế giới bên ngoài. Cuộc sống sẽ không bị bó buộc nữa nhờ cảm xúc của bạn. 

3. Những bức tranh tâm lý và cảm xúc được tạo nên từ sự tích lũy các suy nghĩ. Cảm xúc kết hợp với nhau tạo thành tâm trạng. Nếu chúng trở thành thói quen, chúng sẽ là một phần cá tính của bạn. Hãy chắc chắn rằng suy nghĩ của bạn luôn tích cực.

4. Tất cả mọi điều đều có hai mặt của nó. Hãy nhìn vào mặt tốt, ngay cả trong những tình huống tồi tệ nhất.
5. Các vĩ nhân luôn nhận ra sự tích cực kể cả trong cơn khủng hoảng. Bạn cũng hãy luyện tập việc này cho đến khi nó trở thành một phần tính cách của bạn.



6. Cố gắng tránh việc so sánh mình với người khác. Làm như vậy có thể giúp bạn cảm thấy vui vẻ trong một khoảng thời gian nào đó nhưng cuối cùng nó sẽ làm giảm tính tự tôn của bạn. Hãy cố gắng nhìn nhận mọi thứ như nó vốn có.
7. Nếu bạn giận ai đó, hãy nghĩ đến những điểm tốt của họ và cơn giận sẽ lắng xuống. Đó là lựa chọn của bạn: Bạn có muốn đổ thêm dầu vào lửa hay không?

8. Gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy. Nếu chúng ta làm việc xấu, chúng ta sẽ nhận phải điều xấu. Điều tốt cũng vậy. Bạn chia sẻ càng nhiều kiến thức, bạn sẽ càng thấu hiểu chúng hơn. Bạn càng tạo cho mọi người cảm giác thoải mái bao nhiêu, tinh thần bạn cũng sẽ tự do bấy nhiêu.
9. Hãy sử dụng khả năng nhận thức về bản thân để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp cho mình bằng cách nắm bắt những suy nghĩ và cảm xúc vừa xuất hiện cũng như phân biệt rõ chúng là tốt hay xấu. Với việc luyện tập này, nhận thức về các yếu tố bên trong con người mình sẽ nhanh chóng giúp bạn kiểm soát suy nghĩ hay cảm xúc không mong muốn. Khi ấy, bạn sẽ có thể lựa chọn và tạo ra những gì tương xứng với mơ ước của mình.
10. Số phận nằm trong tay bạn. Hãy luôn suy nghĩ tích cực để loại bỏ những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực đã và đang đè nặng lên cuộc sống của bạn.


BA 3-6-22
Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .