Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Chuyện chống dịch bệnh của người xưa cách nay hàng trăm năm

Thế giới vẫn hoang mang trước sự hoành hành của dịch bệnh Covid -19 . Vậy cách đây hàng trăm năm, khi khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, người xưa đã chống lại những đợt dịch bệnh càn quét bằng cách nào?



Tấu báo tình hình dịch bệnh chậm trễ sẽ bị “truyền chỉ trách cứ”
Các văn bản hành chính triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia  ghi nhận ở nước ta những đợt dịch bệnh hoành hành đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Vì vậy, việc tấu báo tình hình dịch bệnh chậm trễ sẽ bị truyền chỉ trách cứ. Theo bản Tấu của Bộ Hộ năm Minh Mệnh thứ 21, từ tháng Giêng các huyện Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Nông Cống của Thanh Hoa ngẫu nhiên bị dịch bệnh, chết đến hơn ngàn người. Việc có quan hệ đến nỗi thống khổ của dân mà từ tháng Giêng đến giờ mới tâu lên, thật quá chậm. Thự đốc thần Trần Hữu Thăng cho truyền chỉ trách cứ.
Những biện pháp chống dịch chủ yếu lúc bấy giờ được đề cập trong nhiều văn bản là lập đàn cầu khấn và chế thuốc cấp phát cho người dân, đưa thầy thuốc đến điều trị cho dân.

Lập đàn cầu đảo
Một văn bản của Nội các vào năm Tự Đức thứ 12 cho biết, Nội các phụng thượng dụ: vừa qua, do giao thời giữa mùa xuân mùa hạ, không khí nóng ẩm nên dân bị dịch bệnh, đã sai dựng đàn cầu đảo, tai ương đã được giảm lui. Gần đây nghe tin lại bị dịch, Trẫm rất lo cho dân, truyền cho Phủ Thừa Thiên chiếu theo lần trước, dựng đàn cầu thần cho dân khỏi bệnh. Lại chuẩn cho Bộ Lễ phái một viên lang trung đến cùng với Phủ thừa phủ ấy, hết lòng thành kính, luân phiên nhau cầu cho sớm được yên lành để thoả lòng Trẫm.
Nếu cầu đảo linh nghiệm, tức là dịch bệnh qua khỏi thì sắm sửa lễ vật để đền đáp công ơn của thần. Năm Thiệu Trị 6, Bộ Hộ tâu: dân xã Ngoại Lãng, huyện Thư Trì trước bị nhiễm dịch bệnh, đã sức cho quan huyện huyện âý cầu đảo và phái thầy thuốc điều trị. Nay đã yên ổn. Bộ thần vâng xét sức cho huyện viên huyện ấy sắm sửa lễ vật lễ tạ để đền đáp công ơn của thần. Cung nghĩ phụng chỉ: Chuẩn y lời tâu.
Cấp phát thuốc, cử thầy thuốc đến chữa trị
Bản Tấu của Bộ Hộ năm Tự Đức thứ 31 có nội dung: nhận được tờ tư của phủ thần tỉnh Trị Bình Vũ Khoa trình bày: theo huyện viên huyện Minh Linh bẩm rằng, hạt ấy gần đây có dịch bệnh, các xã Thủy Ba, Thượng Lại có người nhiễm bệnh chết, mỗi xã khoảng 3-5 người. Quan tỉnh tỉnh ấy đã tạm chi 30 quan tiền công quỹ mua thuốc, sai thầy thuốc chữa trị.
Nay nhận được tờ tư của Tổng đốc Nghệ An Hồ Lệ trình bày: Dân trong huyện Hưng Nguyên đa phần bị nhiễm bệnh, hai thôn Thục Nhượng và Ngọc Điền là nặng nhất, đã phái thầy thuốc Nguyễn Duy mua thuốc mang đến nơi điều trị. Đây là nội dung bản Tấu của Viện Cơ mật vào năm Thành Thái thứ 6.
Kiểm soát việc đi và đến nơi có dịch bệnh
Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, việc đi và đến địa phương có dịch bệnh chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Văn bản của Bố chánh sứ tỉnh Phú Yên vào năm Duy Tân thứ 8 trình bày: theo tờ bẩm của phủ viên phủ Tuy An Nguyễn Văn Hiền, thôn Mỹ Quang, hạt đó bị dịch hạch. Nay dịch bệnh đã hết, sớm ngày 22 dương lịch tháng này, dân thôn đó đã được tự do ra vào, không phải cấm. Trong thời gian dịch bệnh, người thôn đó không được qua lại thôn khác và người thôn khác không được qua lại thôn đó.
Theo bản Tư trình của Tổng đốc Bình Phú, vào năm Thành Thái thứ 11, nội dung về việc tỉnh Khánh Hòa đang có dịch bệnh, các tấn ven biển hễ thấy thuyền buôn của tỉnh đó đến thì cho đậu riêng và chỉ cho phu thuyền lên bờ mua thức ăn, phải đề phòng để không truyền nhiễm. Tỉnh tôi lập tức sức cho các tấn thôn ven biển chiếu theo các điều trong điện văn đã nói để đề phòng. Nay nhận được tư văn của Công sứ, có nội dung về tạm cấm thuyền tỉnh Khánh Hòa đến các tấn, trong khoảng 40 ngày, tỉnh tôi đã sức cho các tấn thôn ven biển tuân theo thực hiện. Vậy xin tư trình quan đại thần Viện Cơ mật.
Thiêu hủy căn nhà có người bệnh dịch, dọn dẹp đường sá
Trước tình hình dịch bệnh vào năm Thành Thái thứ 11, Lãnh Tổng đốc Thuận Khánh tư trình gấp: 2 xã Ngọc Hội và Phương Sài, huyện Vĩnh Xương từ tháng Chạp năm ngoái đến tháng Giêng năm nay nhân dân bị bệnh dịch hạch, 23 người chết. Ngày 28 tháng trước, đã đốt các nhà cửa có người bị bệnh ở xã đó và đưa thân nhân của họ đến nhà thương. Đến nay đã tương đối yên. Vậy mà một tuần nay bệnh đó lại tái phát trở lại, 2 xã đó và xã Vĩnh Điềm, tổng cộng có 10 người bị chết, lại thiêu đốt các nhà có người bị bệnh và đưa thân nhân của họ đến nhà thương, nhắc nhở nhân dân tuân theo các điều cấm, dọn dẹp nhà cửa đường sá sạch sẽ để tránh truyền nhiễm và từ sau nếu có người nào bị bệnh lập tức báo ngay, không được dấu giếm. Vậy xin tư trình quan đại thần Viện Cơ mật soi xét.
Bản Tấu của Bộ Binh năm Duy Tân thứ 4 đề cập: Tháng 5 năm nay, nhận được tờ tư của quan Đô thống sung Đô đốc Nha Hộ thành Vũ Văn Đại trình bày: Tháng 3 năm nay, nhân dân trong thành nhiều người bị dịch bệnh, sau đó bàn phái các viên binh đến giúp các gia đình bị bệnh, trông nom bệnh nhân và cử người đến các bộ nha và các phường trừ bỏ các uế độc. Nay dịch bệnh may đã hết mà bọn họ được cử đi giúp đỡ chăm sóc dân và lo liệu việc mai táng, tẩy trừ uế khí không ai dám ngại khó. Nên làm tờ tư xin xem xét ban thưởng cho họ.

Như vậy, cách chúng ta hàng trăm năm, dưới triều Nguyễn, để chống dịch bệnh, việc kết hợp cả biện pháp về tâm linh với các phương thuốc được coi là hiệu quả và sử dụng thường xuyên. Đến những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dưới thời Thành Thái, Duy Tân, kết hợp thêm các biện pháp vệ sinh, tẩy uế nhà cửa đường sá và kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển đi và đến nơi có dịch bệnh.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I




Làng xã xưa và nay

Tết ở nông thôn đậm đà hương vị hơn thành phố, bởi vì làng quê mới là nơi ấp ủ, lưu giữ những nếp sống ngàn đời của cha ông ta. Làng có vị trí, vai trò, có sức mạnh bảo tồn những giá trị truyền thống trước sức mạnh của ngoại xâm...


Vì sao làng xã cổ truyền có sức mạnh như vậy? Làng là một đơn vị tụ cư truyền thống của người nông dân Việt ở nông thôn, có địa vực, cơ sở hạ tầng, cơ cấu tổ chức, phong tục, tập quán, tâm lý, quan niệm, tính cách và cả “hương âm”, "thổ ngữ" tức "giọng làng" riêng, hoàn chỉnh và tương đối ổn định trong quá trình lịch sử. Đặc biệt, để duy trì trật tự, nền nếp, mỗi làng đều có hương ước, được coi như bộ luật của làng.

Hương ước là lệ làng được văn bản hóa, quy định chặt chẽ về cơ cấu tổ chức; yêu cầu công khai, minh bạch về bầu bán, bãi miễn các chức vị trong làng; phân bổ thuế, phân chia ruộng đất công; về tuần phòng; về lễ nghi, tín ngưỡng; về lệ hôn thú, tang ma; về tương trợ, cứu tế; về khai sinh, khai tử, học hành và xử phạt vi phạm… Có thể nói mọi quan hệ trong làng xã đều được quy định trong hương ước. Hương ước do chính dân làng soạn thảo, nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương; hằng năm hương ước đều được tuyên đọc một lần tại đình làng, để ai cũng nhớ, cũng thuộc và những điều khoản không còn phù hợp cũng thường được sửa đổi.

Chùa Thầy 2020

Đặc điểm của làng xã cổ truyền là tự trị, tự quản. Nhà nước chỉ can thiệp vào làng xã trong việc thu thuế, bắt lính; xử lý những vụ án hình sự, hay những vụ tranh chấp dân sự làng không hòa giải được; can thiệp khi có dịch bệnh lớn…còn lại thuộc quyền tự trị, tự quản của các làng xã.
Cơ cấu tổ chức làng xã xưa đơn giản nhưng chặt chẽ, hệ thống tổ chức gồm Hội đồng hương chính và Lý trưởng do dân làng tự bầu, Nhà nước phê chuẩn, nếu vị chức sắc nào thực hiện trách nhiệm kém cỏi hay có sai phạm, dân làng sẽ bầu người khác thay thế. Làng có đội ngũ tuần phiên, có trách nhiệm bảo vệ an ninh, trật tự trong làng và ngoài đồng. Hầu hết hương ước các làng đều quy định, nếu tuần phiên lơ là để trộm đục tường, khoét vách ăn trộm hay gặt trộm lúa ngoài đồng, tuần phiên bị phạt và đền cho gia đình mất trộm 100% số tài sản thiệt hại.
Chùa Thầy 2020


Hương ước nhiều làng quy định, khi họp Hội đồng ở đình làng, dân làng có quyền đến dự, ai có điều gì thắc mắc có quyền chất vấn, Hội đồng có trách nhiệm giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, hương ước cũng quy định người chất vấn phải có thái độ đúng mực, ai say rượu nói càn có thể bị phạt.
Có hương ước còn quy định, ai mất gà, mất buồng cau, buồng chuối mà đi chửi rong trong làng, làm “mất phong thể của làng” thì bị xử phạt. Nói về xử phạt, điều đặc biệt là ai vi phạm cũng bị phạt, nhưng những người dân thường bị phạt nhẹ, còn những người có chức sắc, có chữ nghĩa thì bị phạt nặng hơn nhiều lần.
Do tính chất tự trị, tự quản cao như thế nên người ta đánh giá làng xã cổ truyền Việt Nam “như một nước cộng hòa thu nhỏ”, với những thiết chế  chặt chẽ, những quy định bảo đảm “dân chủ làng xã” và cố kết cộng đồng rất cao.
Điều đáng quan tâm nữa là nhìn chung dân trí trước đây còn thấp, đại đa số không biết chữ nhưng “nếp sống văn hóa lại khá cao”, những người có chữ nghĩa trong làng rất được tin cậy và tôn trọng. Người có chữ nghĩa tham gia Hội đồng, được bầu làm chức dịch… Và cũng vì thế mà người dân rất hiếu học, mong con cháu được học hành, đỗ đạt thành tài.
Những giá trị đó khiến làng xã xưa bình yên, vững vàng trước các yếu tố ngoại lai suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Nhà mùa dịch covid 19

Ngày nay, làng xã cổ truyền đã thay đổi, không còn bao bọc khép kín trong lũy tre làng mà là một đơn vị dân cư mở, mỗi xã là một đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất trong hệ thống hành chính bốn cấp hiện nay. Đây là điều kiện để các làng xã phát triển, nhất là phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng làng nghề hay nông nghiệp sạch… để nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế thị trường hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn là những mặt tiêu cực tác động đến nông dân, nông thôn rất khốc liệt. Có nhận định cho rằng tình hình chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp là một bước ngoặt mới chưa từng có, đã làm biến dạng không ít làng xã cổ truyền, biến nhiều nông dân thành thị dân, nhiều người hoàn toàn không có tư liệu sản xuất và tay nghề bị lạc lõng trước thời cuộc, khiến họ phải ra đô thị, chợ biên giới, xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài, hay phá hủy chính môi trường sống của mình để kiếm ăn. Có ý kiến cho rằng những tiêu cực của cơ chế thị trường khiến người nông dân lao vào cuộc tranh đoạt, dẫn đến sự suy thoái đạo đức văn hóa nông thôn ở mức độ trầm trọng, hiện tượng lấn chiếm đất công, tranh chấp từ đường không còn là chuyện hiếm.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, làng xã phải tháo gỡ những nếp cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp của làng xã truyền thống như co cụm, khép kín “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ” hay chỉ trong lệ làng, coi thường pháp luật kiểu “Phép vua thua lệ làng”… nhưng cũng đồng thời phải bảo lưu được những giá trị quý báu của văn hóa làng xã như ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng; tôn trọng trật tự, kỷ cương; tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc “tắt lửa tối đèn có nhau”… là một bài toán khó, nhưng không thể không tìm ra giải pháp.

Chúng ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó bản sắc dân tộc phải chăng một phần quan trọng nằm ở văn minh làng xã cổ truyền. Những giá trị mang tính bản sắc ấy ở nông thôn đang đứng trước những thách thức rất lớn.
Để giải quyết vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài này, Nhà nước cần có những giải pháp vĩ mô, nhưng vai trò rất quan trọng của mỗi cộng đồng dân cư, làng xã, dòng họ và mỗi cá nhân phải được phát huy, khơi lại những giá trị truyền thống trong trẻo, nâng cao lòng tự hào về truyền thống để thích nghi với xã hội hiện đại mà không mất gốc, mất đi bản sắc văn hóa Việt được đúc kết qua ngàn năm lịch sử đáng tự hào của tổ tiên ta./.





Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Quốc Thái Dân An

Quốc thái, dân an là niềm mơ ước muôn đời của mọi quốc gia, mọi dân tộc. Thái là thái bình, an là an lạc. Quốc thái, dân an là đất nước được thanh bình, thịnh vượng, không có chiến tranh hoặc thiên tai, dân chúng trong nước được sống trong an vui, ấm no, và hạnh phúc.



i

.

Trong cơn hoảng loạn của cả thế giới  với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID - 19 nói ra điều gì tích cực cũng là điều rất khó khăn




Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Kiến thức tài chính – kinh tế cơ bản cần biết

Chúng ta thảo luận rất nhiều về kinh tế nhưng đôi khi lại bỏ qua những điều cơ bản. Những gì chúng bài viết chia sẻ dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn cấu trúc lại kiến thức kinh tế của mình


1. Kinh tế có 2 thành phần chính là kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô.
Kinh tế vĩ mô nghiên cứu hành vi, động cơ của người tiêu dùng, giá cả, lợi nhuận, v v… Kinh tế vĩ mô nghiên cứu nền kinh tế rộng hơn và những giá trị lớn hơn như lãi suất, GDP và các công cụ khác mà bạn thường thấy trong mục kinh tế của các tờ báo. Kinh tế vi mô hữu ích hơn cho các nhà quản trị còn kinh tế vĩ mô có lợi hơn cho các nhà đầu tư.

2. Luật cung – cầu: nền tảng của kinh tế
Bất cứ khi nào nguồn cung tăng sẽ làm cho giá giảm và cầu tăng sẽ làm giá tăng. Vì thế, khi bạn sản xuất thừa ngũ cốc, giá thực phẩm sẽ giảm và ngược lại. Hãy suy nghĩ một cách trực quan, bạn sẽ thấy quy luật này đúng ở mọi nơi trên thế giới. Bạn sẽ thấy rất rõ sự biến động của giá cổ phiếu liên quan chặt chẽ với cung cầu.
3. Hiệu dụng biên
Mỗi khi bạn có thêm 1 cái gì đó để sử dụng, giá trị của nó đối với bạn sẽ giảm đi. Vì vậy, 100 đô la sẽ có giá trị hơn khi bạn kiếm 1000 đô/tháng so với 1 triệu đô/tháng. Điều này được sử dụng rộng rãi trong việc thiết lập giá cả.
4. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
Đây là công cụ cơ bản nhất để đo kích thước của 1 nền kinh tế. Theo khái niệm, GDP sẽ bằng tổng thu nhập của tất cả người dân trong 1 quốc gia hoặc tổng giá trị thị trường của tất cả sản phẩm và dịch vụ được sản xuất trong quốc gia đó. Hiện nay, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo GDP (khoảng 14 nghìn tỷ USD). Điều đó có nghĩa rằng, mỗi năm có 14 nghìn tỉ USD giá trị hàng hoá và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ.
5. Tốc độ tăng trưởng
Sự phát triển của 1 nền kinh tế được đo bằng tốc độ tăng trưởng GDP. Vì GDP là thước đo thu nhập của 1 quốc gia, nên tốc độ tăng trưởng GDP sẽ cho thấy thu nhập trung bình một người dân tăng lên bao nhiêu mỗi năm.


6. Lạm phát

Bạn đã biết rằng giá của hầu hết các sản phẩm hiện nay đều cao hơn so với thời cha ông chúng ta. Lạm phát (tính theo phần trăm) cho thấy mức độ tăng giá của hàng hoá so với năm trước. Trong nền kinh tế phát triển, lạm phát hàng năm vào khoảng 2% – điều đó có nghĩa rằng giá các món hàng tăng trung bình 2% mỗi năm. Vai trò cơ bản của Ngân hàng trung ương (NHTW) là quản lý tỉ lệ này và giữ nó ở 1 con số dương thấp. Sau đây là biểu đồ cho thấy mức độ lạm phát của Mỹ trong suốt 100 năm qua.
7. Lãi suất
Khi bạn cho ai đó vay tiền, bạn mong đợi sẽ nhận được thêm một khoản tiền đền bù. Phần tiền này gọi là tiền lãi. Lãi suất là 1 số dương phản ánh số tiền bạn sẽ nhận được “thừa ra” so với khoản ban đầu bạn cho vay. Hãy theo dõi biểu đồ lãi suất dưới đây. Trong ngắn hạn, lãi suất thường được quy định bởi các NHTW. Hiện nay, nó gần tiến về mức 0. Về lâu dài, lãi suất sẽ do thị trường quyết định và phụ thuộc vào tỉ lệ lạm phát và các viễn cảnh của nền kinh tế. Những cơ chế NHTW dùng để kiểm soát lãi suất ngắn hạn được gọi là chính sách tiền tệ.
8. Lãi suất – Lạm phát – Tăng trưởng
Gần như có 1 mối quan hệ ngược chiều giữa lãi suất và tỉ lệ tăng trưởng GDP, ngoài ra lãi suất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ lạm phát. Vì thế, khi bạn gia tăng lãi suất, lạm phát sẽ có xu hướng đi xuống tuy nhiên đi cùng với nó là kinh tế phát triển chậm lại. Do vậy, không có gì khó hiểu khi việc quy định lãi suất luôn khiến các nhà chức trách phải đau đầu. Ở Mỹ, cục Dự trữ liên bang chịu trách nhiệm quy định lãi suất ngắn hạn và và đó luôn là một trong những thông tin kinh tế được theo dõi nhiều nhất.
9. Chính sách tài khóa
Chính phủ có thể kiểm soát nền kinh tế bằng cách điều chỉnh chi tiêu. Nhóm các cơ chế sử dụng ngân sách hình thành nên chính sách tài khóa. Khi chính phủ chi tiêu nhiều, dẫn đến cầu nhiều hơn và giá tăng nhiều hơn. Điều này có nghĩa rằng nền kinh tế tăng trưởng tốt nhưng đồng thời mang theo lạm phát cao và ngược lại. Do đó, chính phủ cố gắng chi tiêu nhiều hơn trong giai đoạn tăng trưởng thấp và lạm phát thấp, đồng thời thắt chặt chi tiêu trong thời kì tăng trưởng và lạm phát cao.
10. Chu kì kinh tế
Nền kinh tế có những thời kì bùng nổ và khủng hoảng với chu kì khoảng 7 năm. Khởi đầu chu kì sẽ là sự bùng nổ của nền kinh tế, sau đó nó phát triển đến mức cực thịnh, tiếp đến sẽ bước vào suy thoái (thời kì tăng trưởng âm/thất nghiệp gia tăng) và cuối cùng là sang chu kỳ tiếp theo.
11. Chi phí cơ hội
Khi thực hiện một hành động gì đó, bạn có thường so sánh lợi ích của hành động ấy so với các hành động khác. Ví dụ, vào tối thứ 6 khi phải làm việc cật lực cho 1 dự án, bạn có thể nghĩ rằng “Trời đất, mình đáng lẽ nên làm việc gì đó khác.” “Việc khác” ấy (trong trường hợp này là tiệc tùng cùng bạn bè) có 1 giá trị cao, và nó chứng tỏ dự án hiện tại của bạn tốt hơn, hấp dẫn hơn. Giá trị của hành động mà bạn bỏ lỡ được gọi là “chi phí cơ hội”. Vì thế, nếu bạn bỏ 1 công việc trả lương 120 nghìn Đô/năm để bắt đầu lại, chi phí cơ hội của việc bắt đầu lại là 120 nghìn Đô/năm. Bạn nên chọn những công việc mang lại doanh thu cao hơn những công việc khác mà mình đã từ bỏ.
12. Lợi thế so sánh
Bạn đang phát triển một dự án công nghệ và vào một ngày nọ, khách hàng đến và hỏi rằng liệu bạn có thể xây dựng một trang web cho họ không. Liệu bạn sẽ đồng ý phát triển trang web cho họ hay nhường cơ hội này lại cho người bạn của mình? Làm thế nào để quyết định được? Thông thường một người sẽ tính toán anh ta sẽ mất bao nhiêu thời gian để xây dựng trang web và liệu có thể sử dụng thời gian đó để kiếm được nhiều hơn với dự án đang thực hiện. Sau đó, anh ta sẽ tính xem liệu người bạn kia có thể phát triển trang web hiệu quả hơn mình hay không. Nếu người bạn đó có thể mang lại hiệu quả tốt hơn và bạn có nhiều điều phải làm với dự án của mình, bạn sẽ bỏ qua cơ hội này. Đây được gọi là lý thuyết về lợi thế so sánh. Người bạn của bạn có một lợi thế và bạn hoàn toàn không có lý do gì để nhận lấy công việc kia. Các quốc gia, doanh nghiệp và người dân chỉ nên làm những việc họ có thế mạnh và dành phần còn lại cho người khác.

10 điều bạn cần biết để quản lý tài chính cá nhân

Trên đời này, ít có gì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta như là sự hiểu biết về tài chính.
Các vấn đề tài chính cá nhân cơ bản mà bạn cần biết không phải chỉ là mở một tài khoản ngân hàng hoặc kiếm một công việc. Bạn còn cần biết cách đưa ra rất nhiều quyết định tài chính khác trong suốt cuộc đời mình.
Hiểu và áp dụng những kiến thức tài chính cơ bản có thể sẽ làm bạn trở nên sung túc hơn. Và ngược lại, nếu không hiểu rõ những vấn đề này, có thể bạn sẽ rơi vào những vướng mắc triền miên. Dưới đây là 10 điều cơ bản về tài chính cá nhân mà bạn cần biết:

10. Thẻ tín dụng

Trong thời đại tiêu dùng, hiểu biết về thẻ tín dụng là chuyện thiết yếu. Thẻ tín dụng có thể là một tài sản hay là một món nợ tùy thuộc vào cách bạn sử dụng chúng.
Vì vậy bạn cần tìm hiểu cách hoạt động của thẻ tín dụng, làm sao để bạn có thể tận dụng được lợi thế của chúng, cũng như biết khi nào thì không nên sử dụng. Đây là một trong những bài học tài chính quan trọng nhất.

9. Lãi kép

Để nắm lấy cơ hội tối đa trong đầu tư, bạn cần phải hiểu về lãi kép và sức mạnh của nó theo thời gian. Tiết kiệm 1,5 triệu một tháng (khoảng 50 nghìn một ngày) mà không tính lãi kép, trong 30 năm, bạn sẽ có 540 triệu.
Tiết kiệm cùng một số tiền này với lãi kép 9% / năm, sau cùng một khoảng thời gian 30 năm, bạn sẽ có gần 2.75 tỷ. Khi bạn hiểu được những nguyên tắc cơ bản về sự kết hợp lãi kép với thời gian, bạn sẽ nhận ra việc tiết kiệm dù chỉ một số tiền nhỏ cũng có thể có một ảnh hưởng rất lớn cho giai đoạn nghỉ hưu của bạn.

8. Rủi ro

Khi bạn tìm cách làm gia tăng số tiền đang có, bạn sẽ luôn đối diện với những rủi ro. Cần hiểu rằng rủi ro là một phần của đầu tư, và bạn có thể gia tăng tài sản của mình bằng cách chấp nhận rủi ro một cách có cân nhắc. Trong khi đó, quá thận trọng hay mạo hiểm để làm giàu nhanh chóng đều có thể sẽ dẫn bạn đến một tương lai nghỉ hưu trong khốn khó.

7. Các kênh chuẩn bị cho hưu trí

Bên cạnh nguồn lương hưu từ bảo hiểm xã hội, hiện nay bắt đầu có nhiều sản phẩm hưu trí tự nguyện khác ra đời cho phép bạn đầu tư với ưu đãi về thuế để khuyến khích bạn tiết kiệm tiền cho giai đoạn hưu trí. Hiểu các công cụ này hoạt động như thế nào và tận dụng chúng là một phần thiết yếu của kiến thức tài chính cơ bản.

6. Quỹ chỉ số

Khi nói đến đầu tư, chiến lược đầu tiên và cơ bản nhất mà bạn cần hiểu là quỹ chỉ số. Theo thời gian, bạn sẽ còn cần tìm hiểu thêm nhiều khía cạnh khác của việc đầu tư, nhưng kiến thức về quỹ chỉ số là nền tảng đầu tiên để bạn có thể sử dụng kênh chứng khoán cho mục đích làm tăng trưởng tài sản.
Đó là cách đơn giản và hiệu quả về chi phí để đầu tư vào thị trường chứng khoán khi bạn không có nhiều tiền bạc và thời gian, nhưng lại cho phép bạn tận dụng lợi thế tối đa của lãi kép.


5. Vay mua nhà bằng thế chấp

Hiện nay, số lượng và điều kiện các gói vay mua nhà ngày càng nhiều và đa dạng, việc cập nhật tìm hiểu những thông tin và quy định mới rất cần thiết. Điều quan trọng cần nhớ là giá nhà đất không phải lúc nào cũng tăng, và bạn cần đảm bảo khả năng trả nợ không chỉ tính trên tháng mà là trong suốt vòng đời của khoản vay.

4. Hiện tượng tài sản bị mất giá

Không phải mọi thứ bạn mua đều là một sự đầu tư, có sự khác biệt quan trọng giữa tài sản tăng giá và tài sản mất giá mà chúng ta cần hiểu.
Nhiều thứ ta mua, như xe hơi chẳng hạn, sẽ bị giảm giá trị theo thời gian. Điều đó không có nghĩa rằng việc mua sắm những thứ này là không tốt, vì chúng có thể đóng vai trò giúp bạn tăng thu nhập. Tuy nhiên, bạn nên mua chúng ở mức giá tốt nhất có thể và không tốn kém nhiều hơn mức bạn cần.
Khi hiểu được một món hàng có thể tăng hay mất giá theo thời gian, bạn có thể sử dụng thông tin này một cách có lợi cho mình, ví dụ như mua chiếc xe đã qua sử dụng từ ba đến năm năm chẳng hạn.

3. Quỹ khẩn cấp

Cuộc sống sẽ luôn ném ra những khúc ngoặt bất ngờ ngay cả khi bạn đã lập kế hoạch kỹ lưỡng nhất. Nhận thức điều này có thể xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng với một quỹ khẩn cấp là một phần thiết yếu trong kiến thức tài chính của bạn.
Thiệt hại tài chính bất ngờ có thể xảy ra, và nguồn dự phòng khẩn cấp sẽ giúp bạn duy trì sự vững vàng về tài chính thay vì vật lộn với khó khăn.

2. Thuế

Mặc dù vấn đề này có vẻ rất rắc rối khó hiểu, bạn cũng cần nắm bắt cách thuế hoạt động như thế nào để hoạch định một cách hợp lý nhất, và còn để xác định những chứng từ nào cần lưu trữ để quyết toán hoàn thuế cho mình.

1. Lập ngân sách

Không có gì quan trọng hơn việc biết rõ tiền mình kiếm được đi về đâu.
Nếu bạn không biết mình đã chi tiêu cho những gì và không đảm bảo được bạn đang chi tiêu ít hơn số mình kiếm, thì bạn sẽ không có nguồn lực để vận dụng bất kỳ kiến thức tài chính nào được nhắc đến ở trên.

(Jeffrey Strain, chủ bút trang SavingAdvice – BeRich dịch và biên soạn lại cho phù hợp với người Việt. Ảnh: popsugar)




Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Trong mỗi con người đều có cả hai nhân tố thiện và ác

Tương truyền rằng trong khu mộ tại nhà thờ Westminster, London, Anh quốc, giữa những tấm bia mộ của nhiều nhà lãnh đạo và những người nổi tiếng thế giới, có một tấm bia mộ đặc biệt ghi lại vài lời tâm sự khi sắp lìa đời. Có người cho rằng đó là một bài học cuộc sống sâu sắc, có người lại nói đó là một nhân cách hướng nội, cũng có người lại liên tưởng tới triết lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” – thay đổi chính mình để thay đổi thế giới – nổi tiếng của phương Đông.



Kỳ thực, đây là một tấm bia vô danh, dù nó ở cùng nơi với bia mộ của những người nổi tiếng như vua Henry III, George II, cho đến những Charles Dickens, Isaac Newton, Stephen Hawking… Vậy nên một tấm bia vô danh trở nên có phần nhỏ bé. Tuy nhiên nhiều người lại xúc động khi đọc những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ này:
“Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.
Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi. Nhưng cũng như vậy, dường như đất nước không thể thay đổi được.
Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi. Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể.
Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:
Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước.
Và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”



Người phương Đông thời xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn tảng đá, mồi lửa nhỏ cũng đủ để đốt cháy cả cánh đồng, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn chí lớn, mỗi ngày một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chính vì thế con người muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc tu thân, sau đó mới đến tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được.
Trong cuốn “Hậu Hán Thư” có ghi chép một câu chuyện như thế này:
Thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phiên. Trần Phiên luôn tự cho mình là siêu phàm, cho nên một lòng muốn gây dựng sự nghiệp lớn.
Một hôm, người bạn Tiết Cần đến thăm, nhìn thấy Trần Phiên sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn: “Vì sao không quét dọn nhà để tiếp đãi khách?”.
Trần Phiên trả lời: “Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo quét một nhà?”.
Tiết Cần liền lập tức hỏi ngược lại: “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”.
Trần Phiên hiểu ra và không thể nói được lời nào nữa.
Đây chính là điển cố “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”.
Bởi thế, Nho gia khi bàn về chuyện “tu thân” thì đặt nó xếp sau “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”.
“Cách vật” và “trí tri” có ý là tìm tòi nguyên lý của sự vật để hiểu biết đến tận cùng.
“Thành ý” nghĩa là không tự lừa dối mình, khi sống với người khác phải như thế, nhưng khi sống một mình cũng phải như thế, nội tâm phải như thế mà biểu hiện ra bên ngoài cũng phải như thế.
“Chính tâm” là dạy người ta đề phòng dục vọng cá nhân, khắc chế những điều xấu, luôn giữ vững lương tri và chuẩn tắc làm người.
“Tu thân”, kỳ thực có ý là tu dưỡng, sửa đổi, nghiêm khắc với lời nói và hành vi của mình.
“Tu kỷ dĩ kính, tu kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, một người có thể tu chính mình thì sẽ có được sự tôn trọng của người khác, lại có thể mang lại sự bình an cho người khác và cho mọi chúng sinh trên mặt đất này.
Trong mỗi con người đều có cả hai nhân tố thiện và ác, nhưng con người tự cổ chí kim luôn lấy thiện làm chủ, đó là giá trị quan phổ quát của nhân loại. Đạo tu thân về cơ bản chính là kiềm chế phần ác và phát triển phần thiện của bản thân. Một người có tự trọng, có lý trí cần phải luôn nghiêm khắc với chính mình, suy ngẫm về ngôn từ, hành vi hàng ngày của mình và xem xét ý nghĩ của mình có phù hợp với thiên lý hay không.
Sau khi không ngừng tu chỉnh bản thân, hàm dưỡng nên đức hạnh cao thượng thì người đó sẽ mang trên mình trọng trách với xã hội. Bởi vì thông qua không ngừng giáo dục và cảm hóa, con người có thể quay trở về với bản tính lương thiện của mình, nên trách nhiệm của một người chính trực là đánh thức lương tri, bản tính của những người khác, giúp họ quay trở về với con đường chân chính.



Giữa tiền bạc và thời gian, nếu chỉ được chọn một, bạn sẽ chọn điều gì?

Nếu bạn có thể tiết kiệm được 10 USD/ngày. Một năm sau bạn sẽ có 3 650 USD. Tương tự nếu bạn dành dụm được 10 phút/ngày, cuối năm bạn sẽ dành dụm được 60 giờ. Bạn sẽ chọn gì?

Lý do thực sự khiến bạn cảm thấy hạnh phúc khi có tiền?


Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn sắm sửa một đồ vật mới. Đó có thể là một chiếc laptop, vài bộ quần áo mới hay sửa sang lại ngôi nhà cũ của bạn… Dù là bất cứ thứ gì, khi sở hữu một tài sản được mua bằng tiền, bạn đều cảm thấy rất háo hức, hạnh phúc.
Tuy nhiên, khoa học chỉ ra rằng những cảm xúc ấy được gọi chung là "Sự hài lòng tức thời" (Instant gratification) - thường gây nhầm lẫn với "Hạnh phúc" (Happiness).
Bản năng của con người luôn tìm kiếm sự hài lòng tức thời. Nó xuất phát từ việc xung quanh chúng ta có quá nhiều giới hạn, như: Tiền bạc, thời gian, định kiến,… cản trở bản thân sở hữu thứ mình mong muốn. Và cuối cùng, khi vượt qua được những hạn chế trên, cơ thể sẽ sản sinh ra dopamine – một chất hóa học gây ảnh hưởng, tạo nên sự hứng khởi tức thời trong não. Nếu bạn cảm thấy vui mừng về một điều gì đó, đôi khi chỉ là bạn đang thưởng thức một "cú nổ" dopamine, thay vì hạnh phúc thực sự.
Tiền không mua được hạnh phúc. Nó chỉ giúp bạn có một thứ gì đó giống hạnh phúc mà thôi.

Hạnh phúc thực sự bắt nguồn từ đâu?
Gần đây, Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu 2 nhóm người. Mỗi người tham gia nghiên cứu đều được cho 40 USD. Nhóm 1 dùng số tiền đó để mua những món đồ họ muốn: vé xem phim, tour tham quan... Trong khi đó, nhóm còn lại được yêu cầu chi tiền vào những món đồ, dịch vụ giúp họ tiết kiệm thời gian, như: thức ăn nhanh, thuê người dọn dẹp nhà cửa...
Bằng nhiều phương pháp đo lường tâm lí, các nhà khoa học đã chấm điểm mức độ hạnh phúc của 2 nhóm trên theo thang điểm 10. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người ở nhóm 2 - nhóm dành tiền để tạo nên thời gian rảnh rỗi có mức điểm cao hơn nhóm 1.
Trên thực tế, tiền bạc chỉ là một công cụ để giúp chúng ta có thêm nhiều thời gian. Mọi người đều có 24 giờ/ngày. Hãy khiến cho mỗi giờ, mỗi phút trôi qua đều mang lại hạnh phúc cho chính mình. Nếu bạn luôn cảm thấy bận rộn, không có đủ thời gian để chăm sóc bản thân thì điều bạn cần nhất là điều chỉnh lại khung thời gian sống ngay lập tức.
Hạnh phúc thực sự chính là thời gian của bạn.

Thời gian vượt trội hơn tiền ở những điểm nào?
Hãy cùng làm một phép so sánh: Nếu bạn có thể tiết kiệm được 10 USD/ngày. Một năm sau bạn sẽ có 3.650 USD. Tương tự nếu bạn dành dụm được 10 phút/ngày, cuối năm bạn sẽ dành dụm được 60 giờ. Bạn sẽ chọn gì?
Có thể chúng ta sẽ chọn tiền, điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng thời gian là thứ một đi không trở lại. Khi mất tiền, bạn còn có cơ hội kiếm lại. Nhưng nếu bạn để một giờ trôi qua phung phí, bạn sẽ mất một giờ đó mãi mãi.
Một phép giả sử khác: Tưởng tượng bạn là một tỷ phú nhưng bạn lại không có đủ thời gian tận hưởng sự giàu có ấy. Vậy hàng tỷ USD trong tài khoản của bạn có ý nghĩa gì, khi không có thời gian?
Tiếp tục, bạn vẫn là một tỷ phú. Bạn muốn dùng 1 tỷ USD để mua lại quá khứ chỉ biết cặm cụi kiếm tiền, quên mất tuổi thanh xuân đang dần qua… Nhưng vấn đề ở đây là: Ai sẽ bán cho bạn?
Chúng ta thường ý thức hơn về cách chúng ta kiếm được và mất tiền. Ví dụ: Nếu bạn rơi 100 USD xuống sàn, chắc rằng bạn sẽ quay lại ngay và nhặt nó lên. Mặt khác, nếu bạn lãng phí 100 phút thì đó lại là 1 việc bình thường. Do không nhận thức rõ được tầm quan trọng của thời gian, nhiều người đã hủy hoại thứ tài sản lớn nhất cuộc đời trong vô thức, không hề hay biết. Nếu bạn có 100 USD nhưng lại tiêu pha như thể có 10.000 USD thì chắc chắn rằng bạn sẽ sớm phá sản. Và nếu bạn áp dụng cách sống sai lệch ấy vào việc sử dụng thời gian thì sẽ rủi ro hơn rất nhiều. Thứ bạn mất không chỉ là tiền mà chính là cả cuộc đời.
Làm thế nào để nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của thời gian?
Giả sử bạn may mắn sống được khoảng 70-80 tuổi. Một năm có 365 ngày, mỗi ngày có 24 giờ, mỗi giờ 60 phút. Tính ra trong cuộc đời bạn sẽ có hơn 40 000 phút. NHƯNG:
Có bao nhiêu năm trong khoảng thời gian này bạn có sức khỏe tốt?
Có bao nhiêu năm trong khoảng thời gian này bạn được sống bên cạnh những người thân yêu?
Bao nhiêu giờ trong một ngày bạn dành thời gian cho những cảm xúc tiêu cực như tức giận, lo lắng, không hài lòng,…?
Bạn dự định dành bao nhiêu thời gian trong một ngày để phát triển bản thân, nâng cao các kĩ năng?
Trên lí thuyết, con người phải ngủ đủ 6 – 8 tiếng/một đêm. Nhưng trong 6 – 8 tiếng ấy, chúng ta có thực sự đang ngủ? Hay là thời gian lãng phí nằm trên giường và bấm điện thoại?
Nếu trên đây là những câu hỏi tiêu biểu luôn quẩn quanh trong tâm trí bạn, điều đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang từng bước nhận thức được giá trị đích thực của thời gian.
Còn nếu câu trả lời là không. Hãy tự trả lời những câu hỏi trên ngay bây giờ, và sử dụng phương pháp Brainstorming để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề bạn gặp phải khi sử dụng thời gian.
Về cơ bản, chất lượng cuộc sống được xác định bởi chất lượng thời gian của bạn. Mọi người đều có cùng 24 giờ/ngày nhưng bạn hoàn toàn có thể khiến nó hiệu quả, có ý nghĩa hơn những người khác. Hãy biến thời gian trở thành một giá trị sống, thay vì là một khái niệm hay vòng lặp "hết ngày hôm nay lại sang ngày mai".
Rất nhiều cuộc khảo sát với câu hỏi "Điều bạn hối tiếc nhất là gì?" đã được thực hiện. Một trong số các câu trả lời tiêu biểu là về các khoảng thời gian trong quá khứ. Với những người được hỏi, họ thật sự mong muốn được quay ngược thời gian để sửa chữa lỗi lầm, để hồi tưởng hay chỉ đơn giản là làm một điều gì có ý nghĩa hơn… Trước khi quá muộn, trước khi sự hối hận và tiếc nuối dần lớn lên, hãy cứu lấy quỹ thời gian của bạn. Đừng để nó như tảng băng trôi.

Theo Lifehack



Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .