Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Tương Lai - Phi thương bất hoạt

 
Thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm nay hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai

Sự đúc kết mang tính quy luật này được nhà bác học Lê Quý Đôn nêu lên trong mối quan hệ biện chứng: “Phi nông bất ổn, Phi thương bất hoạt, Phi công bất phú, Phi trí bất hưng” trong chuỗi hoạt động nhằm duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. 

Đất nước muốn hưng thịnh phải có sự hài hòa trong mối tương tác biện chứng giữa bốn hoạt động nói trên. Chỉ một trong bốn hoạt động ấy bị trục trặc, toàn bộ hệ thống sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí suy thoái, ngưng trệ. Chỉ cần nhớ lại thời kỳ “ngăn sông cấm chợ” của một thời khước từ kinh tế thị trường là đủ chứng minh cho điều đó.

Ấy thế mà nếu lùi sâu thêm một quãng, vào đầu thế kỷ XX, mặc dầu còn hết sức thô sơ, song tư tưởng “phi thương bất hoạt” với việc sản xuất và kinh doanh theo cơ chế thị trường đã manh nha trong tư tưởng của lớp sĩ phu cấp tiến.

Có chuyện đó vì họ đã cảm nhận được phần nào sự thay đổi của chặng đường từ trung cổ sang cận hiện đại, từ nền văn hóa có vùng gốc Hán đến truyền thống văn hóa châu Âu, có nguồn gốc Hy Lạp, với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản chiếm vị trí chi phối cả diện mạo văn hóa thế giới cận hiện đại.

Đây là sự thay đổi rất sâu sắc, thay đổi của cách tư duy truyền thống “nông vi bản” từng in đậm trong nền văn hóa Việt Nam.

Nếu như trước đây người cầm quyền lo cho dân chăm chỉ làm ăn để “trăm họ đủ thì ai để nhà vua không đủ” theo chỉ dạy của Khổng Tử, thì khi ấy các nhà “Duy Tân” đã có một cái nhìn khác trước.

Hai chữ “phú cường” được hiểu là dân có cuộc sống sung túc và nước đủ sức chen vai thích cánh với năm châu. Có nghĩa là “phú cường” cho cả xã hội trên nền tảng của sản xuất và kinh doanh phát triển.

Vì thế, người ta kêu gọi “hợp đoàn doanh sinh”, kêu gọi mọi người góp vốn để có thể đầu tư kinh doanh nhằm cạnh tranh với các hãng buôn nước ngoài đang thao túng toàn bộ nền kinh tế.


Cụ Phan Chu Trinh xót xa viết: “Nước ta không nghèo nhưng không có một đoàn thể nào đông quá ba người. Không có một cái lợi xã, lợi ích nào vốn hơn trăm bạc”(Tựa Hợp đoàn doanh sinh huyết).

Cụ Nguyễn Thượng Hiền đề nghị vận động cả nước mỗi người góp một hào cho công ty kinh doanh và vận động dùng hàng nội hóa hầu mong người sản xuất “đua tài làm cho tốt”, không được làm dối trá, người buôn bán không được trục lợi nâng giá để thiệt hại người mua khiến cho hàng nội hóa không cạnh tranh được với hàng Tây, hàng Tàu. Các cụ kêu gọi:

Anh em một tụi cùng nhau
Thóc mình chớ để ném cho gà người

(Phan Chu Trinh. Tựa Hợp đoàn doanh sinh huyết)

Để làm được việc đó thì phải mở mang đầu óc chứ không thể trói chặt mình trong những hủ tục. Trí thức thì chỉ biết thơ phú văn chương, thuộc làu kinh nghĩa, xa rời thực nghiệp:

Đem văn chương mà vênh váo với đời
Dăm ba câu bát cổ dông dài
Trừ cử nghiệp, việc ngoài chi nỏ biết

(Bài hát khuyên hủ Nho)

Các cụ phê phán loại trí thức:

Đọc câu “lịch tượng thụ thời”
Hỏi giăng chẳng biết hỏi giời chẳng hay
Hỏi địa lý đêm ngày mờ mịt
Hỏi các nghề rối tịt trơ trơ
Nghĩa đen lấn cấn lơ mơ
Mắt nhìn thủng giấy, tay sơ đứt lề

(Cáo hủ lậu văn)

Khí học làm sao? Hóa học làm sao?
Cụ dẫn Dịch tượng, Thư trù chi cổ đế
Cơ khí là thế, điện khí là thế
Cụ rằng mộc ngưu, lưu mã chi Khổng Minh

(Văn tế thầy đồ hủ)

Đáng suy nghĩ hơn cả là sự sòng phẳng và quyết liệt: “Dây đàn cầm không hài hòa thì phải tháo ra mà sửa lại, nhà ở đã cũ hàng ngàn năm thì phải dỡ đi mà làm lại” (Văn minh tân học sách).

Đối chiếu với những trì trệ mà xã hội hiện đại đang gặp phải mới thấy ra được thái độ quyết liệt đó là đáng trân trọng biết bao. Phải đặt thái độ đó trong bối cảnh bát nháo, nhiễu nhương của buổi Tây sang, ách thống trị của thực dân vừa áp đặt, khi mà “Á cũ qua rồi mới chửa Âu” như cụ Phan Bội Châu than thở (Thư gửi Phan Chu Trinh), thì mới đo được ý chí của những nhà “duy tân” buổi ấy trong chuyển đổi nhận thức để gắn việc “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” với việc kêu gọi làm cho đất nước “phú cường”.

Mà “phú cường” theo nghĩa là dân có cuộc sống no đủ, sung túc để cho nước đủ sức cạnh tranh, chen vai thích cánh với các “liệt cường” bên ngoài như đã nói ở trên. Đó là tiền đề để kêu gọi hợp đoàn doanh sinh, góp vốn cả nước, đầu tư kinh doanh nhiều ngành, cạnh tranh với tư bản nước ngoài.

Vậy là chữ “hoạt” của “Phi thương bất hoạt” đã được khẳng định từ đầu thế kỷ trước! Thế mà dằng dai suốt hơn trăm năm, chữ “hoạt” ấy bị chìm lấp đi, để rồi đến khi được phủi lớp bụi thời gian để khởi sắc trở lại thì thế giới đã bước vào thời đại kinh tế tri thức!

Với chiếc màn hình của máy vi tính, thế giới trở thành “phẳng”. Chẳng phải đi đường vòng, mà là trực diện, ngay tức thì, trước màn hình của máy vi tính. Chiếc màn hình “phẳng" ấy đã kết nối những người ở khắp mọi nẻo đường của thế giới, tại những góc khuất nhất của Trái đất, với người người trong cabin máy bay đang bay ở độ cao mười ngàn mét, và xa hơn là trong khoang tàu vũ trụ.

Với việc thêu dệt những sợi dây trí tuệ từ sóng radio và công nghệ số hóa, loài người bắt đầu nối kết tất cả các khu vực, tất cả các quá trình, tất cả các khái niệm thành một hệ thống khổng lồ. Từ nền tảng mạng lưới trí tuệ phôi thai đó đă ra đời một nền tảng hợp tác cho nền văn minh mới, nền văn minh trí tuệ. Ở đây, trên lĩnh vực thương mại, chỉ một nút bấm trên máy vi tính là đồng vốn bạc tỷ có thể chu chuyển chỉ trong vài giây đồng hồ từ Á sang Âu, từ Bắc xuống Nam của “ngôi làng toàn cầu” đã trở nên gần gũi và chật chội!



Sẽ hiểu hơn chuyện này nếu nhớ lại chuyện xưa, trên “con đường tơ lụa” vốn được coi là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, những "thương nhân lạc đà" đem tơ lụa từ Tràng An của Trung Hoa sang tận La Mã, Ai Cập theo bước chân chậm rãi của con vật có sức chịu đựng dẻo dai nhất trên sa mạc.

Chuyện cổ kể lại rằng, nữ hoàng Ai Cập Cleopatra lúc đó chỉ diện váy lụa Trung Hoa! Và rồi những nhà quý tộc của La Mã thích lụa ấy đến mức họ cho cân lụa lên và đổi chỗ lụa đó bằng vàng ròng với cân nặng tương đương! Phải chăng điều đó đã thúc đẩy những thương nhân ròng rã bao tháng trời trên lưng lạc đà để vượt qua quãng đường dài mười mấy ngàn cây số! Và rồi, chính họ đã trở thành chiếc cầu nối của hai nền văn minh Đông và Tây!

Thực thi chữ “hoạt” buổi ấy mới vất vả làm sao nhưng cũng vĩ đại biết bao! Tuy nhiên, với thời đại chu chuyển vốn chỉ bằng một nút bấm, cái chữ “hoạt” này lại phải chịu đựng những thách đố mới không kém phần nghiệt ngã.

Thì đây, xin nhắc lại lời cảnh báo của Rowan Gipson, đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng Tư duy lại tương lai: “Thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm nay hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai”! Điều này thì những “thương nhân lạc đà” xưa kia chưa gặp!

Cũng chính vì vậy, cái chữ “hoạt” trong “Phi thương bất hoạt” phải gắn chặt làm một với chữ “hưng” trong “Phi trí bất hưng”! Nếu cụ Lê Quý Đôn sống lại chắc cụ sẽ vuốt râu mà rằng “hậu sinh khả úy”, hãy trao cho chúng trách nhiệm tìm ra một đúc kết mới của cái thời đại mà “chuẩn mực chính là sự thay đổi” để chúng tìm cách đưa chữ “hưng” lồng vào trong chữ “hoạt”, để thấy rằng không có trí thì chẳng thế nào nền kinh tế thị trường đích thực có thể “hoạt” được!

E rằng, có khi phải nhắc lại ý tưởng của các cụ ta trong phong trào Đông Kinh Nghĩa thục đầu thế kỷ XX: “Dây đàn cầm không hài hòa thì phải tháo ra mà sửa lại, nhà ở đã cũ hàng ngàn năm thì phải dỡ đi mà làm lại”.

Cùng với chuyện đó phải có những “Văn minh tân học sách mới”, những “Cáo hủ lậu văn mới” để tẩy uế, dọn sạch lớp “hủ nho hiện đại” chỉ biết ăn theo, nói leo, xài bằng cấp giả để kiếm chác một chiếc ghế để tận hưởng sự kinh doanh quyền lực, loại kinh doanh có lãi bậc nhất hiện nay!



Kinh doanh nên đơn giản

Có lẽ, trong mắt những người khác, tôi là một “chàng trai hiền lành”nhưng, theo cách này hay cách khác, một câu hỏi đầy tính triết lý mà mọi người thường hỏi tôi là liệu những người “ở hiền” cuối cùng có “gặp lành” trên thương trường đầy khốc liệt này không.

Hãy nhớ phải luôn vui vẻ. Việc kinh doanh sẽ không còn nghĩa lý gì nếu không vui.

Hãy vui với khách hàng, với nhà cung cấp và với các công ty đối tác.Xây dựng một mối quan hệ lành mạnh sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích hơn việc lúc nào cũng phải tranh đấu. Đừng nhìn mọi thứ theo cách quá cá nhân. Thỉnh thoảng, hãy thả lỏng và thư giãn.

Thứ nhất: Việc có nhiều đối thủ cạnh tranh là điều tốt bởi lẽ “giáo dục” thị trường là vấn đề vô cùng tốn kém.
Thứ hai : Thời gian của bạn giá trị hơn tiền bạc, và bạn nên cẩn thận để
không lãng phí nó.
Thứ ba: Bí quyết bán hàng thành công nằm ở chỗ vượt qua sự sợ hãi khi đưa ra yêu cầu. Bạn không hỏi, bạn không được gì cả.
Thứ tư: Thông thường, bạn sẽ không phát hiện ra thì trường ngách cho đến khi bạn bước vào kinh doanh.
Thứ năm: Không thị trường ngách nào tồn tại mãi mãi. Bạn có thể phải tìm ra một thị trường ngách mới khi tiếp tục phát triển.
Thứ sáu: Danh tiếng là tài sản kinh doanh giá trị nhất của bạn, và đối thủ cạnh tranh đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nó


Mặc dù hoàn toàn đồng ý với câu ngạn ngữ cổ “Phi thương bất hoạt” nhưng không phải mọi thương vụ đều có giá trị như nhau. 
Một vài thương vụ tốt hơn nhiều so với số còn lại, những người bán hàng thường khó tiếp thu tư tưởng này.
 Một phần là vì họ bị ám ảnh bởi doanh thu.
 Họ đã quen nếp nghĩ rằng mọi thương vụ đều tốt, và quy mô giao dịch càng lớn thì càng tốt.
Thật ra, quy mô thương vụ không quan trọng bằng lợi nhuận gộp mà bạn có thể thu được. 
Quá nhiều thương vụ với hệ số biên lợi nhuận gộp thấp có thể khiến bạn phá sản.

MBA


Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .