Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Thuật Xử Thế Của Người Xưa Chương 12

1. Người ta mà bỏ được những cái khôn vặt thì mới khôn lớn được.
2. Đừng có vụ nhỏ bỏ lớn.
3. Nhưng, chớ khinh việc nhỏ: lỗ thủng nhỏ cũng đủ chìm thuyền; chớ khinh vật nhỏ, con sâu con cũng đủ hại mạng.
Quan Doãn
4. Người ta đều biết phòng họa hoạn: Ít người biết làm cho họa hoạn đừng sinh ra.
Lão Tử
5. Trồng dưa thì được dưa,
Trồng đậu thì được đậu.
Thích Ca
6. Hễ có khói, tất có lửa...
Thích Ca
7. Tôi mà thí vua, con mà giết cha... đâu phải một buổi sớm một buổi tối mà gây ra. Nguyên lai lần lần mà đến vậy.
Kinh Dịch
8. Chấp kinh cũng phải biết tùng quyền.
9. Đầy thì đổ...
Khổng Tử
10. Trèo cao té nặng...
Cổ Ngạn
11. Kéo chưa biết cầm, mà sai cắt áo, thời hại to.
Tả Truyện
12. Người quân tử, ta nên thân, song cũng không nên quà chiều mà ra phụ họa;
Kẻ tiểu nhân, ta nên tránh, nhưng cũng không nên ruồng rẫy mà sinh ra thù hằn.
Hàm Quang
13. Đừng làm cho ai mất mặt...
14. Đừng lấn kẻ đối phương vào nước cùng...
Cùng quẫn ắt làm liều.
15. Những điều ta không muốn, thì đừng làm cho kẻ khác.
Luận Ngữ
16. Dưới cái mồi thơm, tất sẽ có con cá chết.
Tam Lược
17. Có của cải mà để không kín đáo, là gợi kẻ trộm đến.
Kinh Dịch
18. Đừng quý của khó đặng là làm cho lòng dân không sanh trộm cắp.
Lão Tử
19. Không có đức, mà nhiều của... dễ bị tai vạ.
Tiềm Phu
20. Mặt trời đứng bóng, thì xế;
Mặt trăng đã tròn, thì khuyết,
Vật gì thịnh lắm, thì suy.
Thái Trạch
21. Chẳng nên "bới lông tìm vết".
Hàn Phi Tử
22. Ngu độn thì người ta chê cười;
Thông minh thì người ta ghét vơ và ngờ vực;
Thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín.
Lữ Khôn
23. Kẻ biết người, là người khôn;
Kẻ biết mình, là người sáng.
Lão Tử
24. Ngàn vàng dễ được;
Lời tốt khó tìm.
25. Người mà nhiều người ghét thì nguy.
Tuân Tử
26. Nhã quá, hóa ra dễ bị lờn;
Nghiêm quá, thì không ai thân.
Gia Ngữ
27. Người mẹ hiền quá hay có con hư.
Danh Thiết Luận
28. Biết, phải biết cho suốt;
Làm, phải làm đến nơi.
Trương Đình Phong
29. Không nên mưu việc lớn với kẻ nói nhiều.
Văn Trung Tử
30. Phàm việc lo sợ thì hay nên!
Khinh thường thì hay hỏng.
Lữ Đông Lai
31. Có sửa trị, hãy sửa trị ngay hồi chưa có loạn. Lo giữ nước, hay lo giữ từ thuở nó chửa nguy vong.
Kinh Thi
32. Đức nhỏ, mà địa vị cao.
Trí cạn mà mưu sự lớn,
mà không gặp họa là ít thấy vậy.
Kinh Dịch
33. Yên ổn, đừng quên lúc nguy khốn,
Bình Trị, đừng quên lúc loạn ly.
Gia Ngữ
34. Đã sáng, lại khôn, mới giữ được thân.
Kinh Thi
35. Phàm việc chi, nên giữ lại chút nhơn tình, hầu ngày sau dễ thấy mặt nhau.
36. Hễ sinh sự thì sự sinh; mà bớt việc, thì việc bớt.
37. Nước trong quá thì không có cá;
Người xét nét quá thì không có bạn.
38. Trong đạo xử thế, biết trách mình là người khôn; chỉ trách người là người vụng.
39. Dùng người như dùng cây, chớ vì một vài chỗ mục mà bỏ cây to.
40. Ẩn ác dương thiện, là bực thánh;
Thích thiện, ghét ác, là bực hiền;
Tánh bạch thiện, ác quá đáng là hạng người thường,
Điên đảo thiên ác, để sướng miệng gièm pha là hạng tiểu nhơn hiểm ác.
41. Khí độ hẹp hòi là cái bệnh to của học giả.
42. Người ta có lễ độ thời yên;
Kẻ không lễ độ thời nguy.
43. Sửa điều dở cho ai, chớ nghiêm khắc quá;
Dạy điều hay cho ai, chớ cao xa quá.
44. Dở nhất trong đạo xử thế là không biết nhận thấy cái lỗi của mình.
45. Nói chuyện, chớ châm chọc để người ta buốt.
Nói đùa, chớ cạnh khóe để người ta đau.
46. Đang khi vui mừng, chớ có nói nhiều...
47. Loạn sinh ra bởi lời nói.
Kinh Dịch
48. Lời nói ngọt ngào, trong tất cay đắng.
Thân Sinh
49. Suốt đời làm phải, một câu bạc ác đủ đổ đi cả.
Gia Ngữ
50. Câu nói trái ý, tất phải xét coi câu ấy hợp lý không?
Câu nói chiều lòng, tất phải xét coi câu ấy có vô lý không?
Kinh Thư
51. Người miệng nói khôn khéo quá, tất là người ít nên tin.
Hàn Thi
52. Kẻ nào vâng liều, dạ liều, hay hứa liều... tất nhiên ít khi giữ được đúng lời.
53. Miệng là cái cửa của họa phước.
54. Không hứa bậy, nên mình không phụ ai;
Không tin bậy, nên không ai phụ mình.
Ngô Hoài Dã
55. Miệng nói ân huệ, mà không có gì... thì chỉ tổ làm cho người ta oán.
Quản Tử
56. Kẻ nào hay theo ý ta mà nói là kẻ tiểu nhân, ta nên xa lánh.
Thân Hàm Quang
57. Câu khen quá đáng của người bạn còn hại hơn câu chê quá đáng của kẻ thù.
Lội Mã Bảo
58. Kẻ có mặt người, hay nịnh hót, thì khi vắng mặt người, tất cũng hay chê bai.
Trang Tử
59. Của chứa nhiều mà không biết dùng, thật là một cái "kho oán".
Thiết Uyển
60. Tin, mà cũng phải phòng...
61. Trong họa, phúc thường mọc sẵn.
Trong phúc, họa thường núp sẵn.
Lão Tử
62. Cây thẳng bị chặt trước;
Giếng ngọt, bị cạn trước.
Trang Tử
63. Ai có cái phúc lạ thường, tất cũng có cái họa lạ lùng.
Liệt Nữ Truyện
64. Lễ nhiều, nói ngọt... là mồi thử ta.
Tả Khưu Minh
65. Đối với người phú quý, có lễ độ không khó, có thể thống mới khó.
Lưu Cao
66. Việc được, thì gièm pha nổi lên;
Đức cao, thì chê bai kéo đến.
Hàn Dũ
67. Yêu ai, cũng nên biết điều dở của người ấy;
Ghét ai, cũng phải biết điều hay của người ấy.
Lễ Kỳ
68. Cùng sống chung nhau trong lúc ưu hoạn thì dễ;
Cùng ở chung nhau lúc có quyền lợi thì khó.
Lữ Đông Lai
69. Xưa nay, người tài giỏi mà bại hoại, là vì tính kiêu.
Tăng Quốc Phiên
70. Việc nhỏ mà không nhịn đặng ắt hư việc lớn.
Luận Ngữ
71. Xưa nay những bậc anh hùng, chỉ vì không biết chịu thiệt mà làm hại không biết bao nhiêu công việc to tát của mình.
Lâm Trai
72. Xử những việc khó xử, càng nên khoan dung;
Xử với người khó xử, càng nên trung hậu;
Xử thời buổi khó khăn, ngờ vực... càng nên tự nhiên như vô tâm.
Lý Tiêu Viễn
73. Kẻ có tánh hay hồ nghi, chớ cùng toan việc lớn.
Kính Viễn
74. Những người cùng thích một việc... thường hay ghen ghét lẫn nhau;
Những người cùng lo một việc... thường hay thân thiết với nhau.
Chiến Quốc Sách
75. Khéo mà dối trá sao bằng vụng mà thật thà.
Thiết Uyển
76. Nóng nảy bồn chồn, thì việc không xong;
Ham mê lợi nhỏ, thì hỏng việc lớn.
Luận Ngữ
77. Môi hở răng lạnh...
Tả Truyện
78. Nước đổ, khó hốt.
79. Gỡ chỉ rối, không nên nóng nảy.
Cung Toại
80. Người mà nóng nảy, nông nổi, hẹp hòi thì xử việc, việc hay hỏng; tiếp người, người hay giận; mà chính mình cũng phải thiệt thòi.
Lữ Khôn
81. Người mà tính khí bất thường, thì suốt đời không làm nên được việc gì.
Tăng Quốc Phiên
82. Khí, kiêng nhất là hung hăng;
Tâm, kiêng nhất là hẹp hòi;
Tài, kiêng nhất là bộc lộ.
Lữ Khôn
83. Việc tất phải đến thế, lý tất phải như thế; chỉ có người trầm tĩnh mới trông thấy rõ ràng trước được.
Tô Luân
84. Biết người ta dối, không thèm nói ra miệng;
Phải người ta khinh, không thèm giận ra mặt;
Như thế thì ý vị vô cùng mà thu dụng cũng vô cùng.
Súc Đức Lục
85. Thường được nghe những câu trái tai, thường gặp những việc phật ý, cũng là một sự mài giũa cho người ta hay.
Hồng Tự Thành
86. Người ta chưa biết bụng mình, chẳng nên vội cầu cho người ta biết;
Người ta chưa hợp ý mình, chẳng nên vội cầu cho người ta hợp.
Tiết Huyên
87. Kẻ mà ta nói tức, không giận, nếu chẳng phải là người đại lượng, tất là người sâu hiểm.
Lưu Phận
88. Lòng người nham hiểm hơn núi sông.
Trang Tử
89. Cứng quá thì gãy;
Mềm quá thì oặt.
Thân Bất Nghi
90. Việc đáng làm thẳng tay mà không dám thẳng tay, thường dễ bị hại.
Hán Thư
91. Kẻ hay giết, không hay tha là người bạc ác.
Kẻ hay tha, không hay giết, là người nhu nhược.
92. Làm những việc to lớn, thì đừng chấp nệ những oán nhỏ.
Quang Vũ
93. Tự khiêm, thì người ta càng phục;
Tự khoe, thì người ta càng khinh.
94. Kẻ đại gian giống như người trung;
Kẻ đại ác giống như người tín.
Lữ Hối
95. Bất cập là dở, mà thái quá cũng không hay gì.
Luận Ngữ
96. Quen biết sơ sài mà câu nói thân thiết, thế là người ngu.
Thôi Nhân
97. Ở đời loạn, chớ nên xa xỉ lắm.
Nguy vong tại đó...
Tăng Quốc Phiên
98. Người đi đêm, tuy không phải gian, nhưng không thể cấm chó cắn.
Chiến Quốc Sách
99. Kẻ bất nhân mà ta ghét bỏ quá tệ, là khích nó làm càn.
Luận Ngữ
100. Đã nuôi cọp, thì phải cho nó ăn no, không thì phải bị nó ăn mất.
101. Lửa bốc lên cao,
Nước chảy xuống thấp,
Thế mà lửa bao giờ cũng thua nước.
Văn Trung Tử
102. Vật trong thiên hạ chẳng gì mềm bằng nước thế mà to vô hạn, sâu vô cùng.
Hoài Nam Tử
103. Ngọt mật chết ruồi.
Cổ Ngạn
104. Cái tay giận dỗi không đánh nổi cái mặt tươi cười.
Cổ Ngạn
105. Muốn cho nước sôi nguội dần, mà một người đun, trăm người khuấy, cũng vô ích...
Sao bằng rút củi ra và tắt lửa đi.
106. Đem xương trừ kiến, kiến lại càng nhiều.
Lấy cá đuổi ruồi, ruồi lại càng đến.
107. Việc sắp xảy ra mà ngăn được;
Việc đương xảy ra mà cứu được;
Việc đã hỏng mà vớt lại được;
Thế là người có quyền biến, có tài năng;
Nhưng, chưa có việc mà biết có việc sắp đến;
Mới có việc mà biết việc sau sẽ như thế nào;
Định việc mà biết việc xảy ra như thế nầy thế kia;
Thế là người biết lo xa, người có kiến thức.
Lữ Khôn
108. Nền không chắc mà tường cao... thì sự đổ nát đã nằm sẵn ở đó rồi.
Hậu Hán Thư
109. Nhân đức vặt, khí khái xằng... thường làm hại công việc lớn.
Luận Ngữ
110. Phàm lúc nguy cấp, chỉ nên trông cậy những điều của mình, không nên trông cậy những điều của người.
Tăng Quốc Phiên
111. Tự trách mình nhiều mà trách người ít, không ai oán.
Luận Ngữ
112. Tự mình không biết mình là một điều hại lớn.
Lữ Thị Xuân Thu
113. Lấy oán báo oán, thì oán oán chập chồng;
Lấy đức báo oán, thì oán oán tiêu tan.
Thích Ca
114. Biết ta, biết người, trăm trận, trăm thắng.
Tôn Tử
115. Sai một ly, đi một dặm...
Khổng Tử
116. Làm người thật khó...
Hậu Hán Thư
117. Cái ngu nhất của con chuột bị bẫy, là không ăn được miếng mỡ đã lừa nó vào cạm.
Friedrich Hebbel
118. Tôi chưa từng gặp một người nào mà tôi không tìm thấy ở họ một cái gì đáng cho tôi học hỏi.
Alfred de Vigny
119. Đấng trượng phu là kẻ không bao giờ làm một điều gì để hạ thấp một người khác.
Herbert N. Casson
120. Sống với người bạn thân, phải phòng lúc họ hết thân, và biến thành kẻ thù của mình.
Richelieu
121. Tai họa như một con dao; mình có thể dùng nó để cắt, hoặc bị nó cắt, tùy theo mình biết nắm đang chuôi hay đàng lưỡi.
James Russel
122. Nếu mỗi khi anh nghe chó sủa mà dừng chân lại, thì không bao giờ anh đi được suốt đường.
Tục ngữ Á Rập
123. Người "cho ra" sẽ có nhiều hạnh phúc hơn kẻ "thụ lãnh".
Actes des Apôtres (XX-35)
124. Cái ngu của người xưa dạy ta nhiều hơn là cái khôn của họ.
Lữ Đông Lai
125. Không có người tử thù nào đáng sợ bằng kẻ mà mình chế nhạo.
Raymond Offner
126. Thường sự bất hóa hay xảy ra giữa những kẻ thân yêu trong gia đình, là vì nơi đây người ta hay nói trắng sự thật.
Raymond Offner
127. Đau khổ làm cho người trở thành khôn ngoan sáng suốt hơn là hạnh phúc.
Raymond Offner
128. Trong mọi kẻ thù của ta không ai nguy hiểm bằng kẻ mà trước đây đã là bạn thân của ta.
Anatole France
129. Có tiền bạc, thì cứ cho, mà đừng có cho mượn. Cho, bất quá là tạo ra một người vô ân; còn cho mượn, lại tạo ra thành kẻ thù.
Alexandre Dumas Fils
130. Không nên thường thăm viếng những người bạn chí thân của mình, nếu anh muốn gìn giữ họ lâu dài.
Henry Becques
131. Yêu thương ai, là không nên so sánh người ấy với một ai khác nữa cả.
Bernard Grasset
132. Óc châm biếm, tức là óc nhỏ nhen. Châm biếm là cái cặn bã hôi thối của óc phê bình.
Pierre Reveroy
133. Cái "Ta" thật là rất đáng ghét... vâng! Nhưng đó là nói về cái "Ta" của kẻ khác.
Paul Valéry
134. Thích nghe gièm siểm là làm mồi cho nhiều kẻ dèm pha.
135. Chỉ có người ngu mới tin mình là bậc Thánh, và chỉ bậc Thánh mới biết rõ cái ngu của mình.
Shakespeare
136. Cần có nhiều bạn, nhưng rất ít bạn tâm tình.
A. de Tyane
137. Không yêu gì cả, mà cũng chả ghét gì cả: đó là được phân nửa sự khôn ngoan rồi.
Không nói gì cả, cũng chả tin gì cả: đó là phân nửa phần khôn ngoan kia còn lại.
Schopenhauer
138. Bất cứ một ai... đều có một con heo đang ngủ trong lòng mình.
Charles Monselet
139. Sắc đẹp vời kẻ trộm đến mau lẹ còn hơn là ngọc vàng châu báu.
Shakespeare
140. Cái phách lối hỗn xược của kẻ khác sở dĩ làm cho ta khó chịu, là chính vì nó chạm đến cái tánh phách lối hỗn xược của ta.
La Rochefoucauld
141. Đối với một kẻ đã cướp vợ anh, thì không còn có cách trả thù nào thâm thúy hơn là hãy nhường cái con đàn bà bạc tình ấy cho nó luôn.
Sacha Guitry
142. Đời ta sẽ trở nên thú vị khi nào ta nhất quyết xem thường nó.
Henrey de Montherlant
143. Nói dối với ai là một cách gián tiếp đề cao người ấy là người mà ta nể sợ.
Samuel Butler
144. Chân lý như ánh sáng làm chóa mắt...
Còn sự giả dối, trái lại như buổi hoàng hôn làm cho mỗi vật đều nổi lên đẹp đẽ!
Albert Camus
145. Tôi đã khám phá ra được điều này: tất cả tai họa của con người đều do họ không biết sống yên tịnh trong căn phòng của họ.
Blaise Pascal
146. Từ chối sự khen ngợi, là muốn người ta khen mình thêm lần nữa.
La Rochefoucauld
147. Đây là hai câu chân lý mà thiên hạ phần đông không chịu công nhận: một là họ không biết gì cả; hai là họ không ra cái gì cả.
Giacono Leopardi
148. Có nhiều trường hợp mà nói dối lại là phận sự tối cao của con người.
Eugène Labiche
149. Châm ngôn vàng ngọc cho những kẻ có quyền thế lớn: Nếu có kẻ nào cúi xuống liếm chân anh, hãy lấy chân mà gác chạn trên đầu nó, phòng khi nó sẽ chồm lên mà cắn anh.
Paul Valéry
150. Quyển sách là một tấm gương: nếu một con khỉ mà nhìn vào, chắc nó sẽ không tìm thấy cái ảnh của bậc thành trí hiện ra.
Gustave C.Lich lenberg
151. Có nhiều cái Ân to lớn quá, đến đỗi người ta không còn làm thế nào để trả nổi khác hơn là bội phản cái Ân ấy đi.
Alexandre Dumas Père
152. Người ta nói rằng: không có ai là bậc anh hùng đối với anh bồi phòng của họ! Anh bồi phòng làm gì biết được những bậc anh hùng, mà chắc chắn chỉ biết những người cùng một hạng với họ thôi.
Goethe
153. Khi có một bậc nhân tài xuất thế, người ta sở dĩ nhận ra được là thấy tất cả bọn ngu đều nổi lên chống báng.
Fréron
154. Hãy nên có nhiều kẻ thù!
Bạn thân của anh, rồi họ cũng sẽ chán nói đến anh; chứ những kẻ thù của anh thì chả bao giờ họ quên nhắc đến tên anh.
Pierre Veber
155. Số kẻ thù của ta sẽ tăng lên theo cái giá trị càng lên cao của ta; nhưng đồng thời, bạn ta cũng nhân đó mà tăng lên.
Paul Valéry
156. Sự phê phán về ta của những kẻ thù ta... gần với sự thật hơn là của ta.
La Rochefoucauld
157. Kẻ nô lệ chỉ có một người chủ thôi. Trái lại, người tham vọng thì chủ họ là tất cả những ai có thể làm lợi cho tài sản, sự nghiệp của họ.
La Bruyère
158. Đời là một trò hề đối với những ai ham suy nghĩ, nhưng lại là một tấn bi kịch đối với những người đa cảm.
Horace Walpole
159. Cái tuyệt hay lại là tử thù của cái hay.
Montesquieu
160. Đầy quá, thì tràn... Trong "chén rượu đời", thường khi chỉ thêm một giọt... là nó sẽ tràn ra mùi chán ghét.
Sainte Beuve
161. Đừng biện bác bao giờ cả, anh sẽ không bao giờ làm cho hoặc lẽ được ai đâu; ý kiến của người ta giống như là cây đinh: càng đập vào nó, càng làm cho nó lún sâu thêm.
A. Dumas Fils
162. Sự dối trá làm chết tin yêu. Nhưng sự thật trắng trợn cũng đâu có làm cho nó sống được.
Etienne Rey
163. Cái ảo vọng cuối cùng của ta là tin rằng mình không còn ảo vọng gì nữa cả.
Maurice Chapelan
164. Càng cao lên... tức là càng thấy mình trở thành lạnh lùng.
R. Offner
165. Đối với người ích kỷ thì chả còn có gì là thiêng liêng cả.
R. Offner
Xin gửi lời cảm ơn anh Huỳnh Quốc Hùng,
người đã tặng tôi cuốn sách quý này.
HẾT
[i] Le noi est haissable.
[ii] Xem quyển "Thuật tư tưởng" cùng một tác giả.
[iii] Liệt Tử.
[iv] Lữ Khôn.
[v] Xem quyển "Cái Dũng của Thánh Nhân" cùng tác giả.
[vi] Sử ký (Tư mã Thiên): Lão Tử liệt truyện.
[vii] Đồng một ý với bài Vua Nghiêu của Trang Tử.
[viii] Liệt Tử (Thiên Thiết Phù).
[ix] Trang Tử (Thiên Sơn Mộc).
[x] Lão Tử: ĐẠO ĐỨC KINH.
[xi] Trang Tử: (Thiên Sơn Mộc).
[xii] Vở hài-kịch của Engène, một văn-sĩ Pháp ở thế kỷ thứ 19 (1860).
[xiii] Chữ M.Choisy dùng: "indépendance du cocur".
[xiv] Xem lại chương IV.
[xv] Gác thân ra ngoài mà thân còn.
[xvi] Không tranh mà thắng hoàn toàn.
[xvii] Trang Tử.
[xviii] Trang Tử (Thiên Sơn Mộc).
[xix] Bực hết sức thông minh thì làm như người ngu.
[xx] Lữ Thị Xuân Thu.
[xxi] Tô Thức: Lưu-Hầu luận (Cổ Văn).
[xxii] Thiên hạ chi chí nhu trì sinh thiên hạ chi phí kiên (Lão Tử).
[xxiii] Xem quyển Cái Dũng của Thánh Nhân.
[xxiv] Trong cái nhu có cái cang, trong cái cang có cái nhu.
[xxv] Ngoài thì thực mà trong thì hư... (Dịch Kinh).
[xxvi] Thể âm nhi dụng dương (Dịch Kinh).
[xxvii] Ngoài hư mà trong thực.
[xxviii] Trang-Tử. Đạt-Sanh Thiên. Xem quyển "Cái Dũng của Thánh nhân"...
[xxix] Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi cộng kiên cường giả mạc chi năng thắng. Nhu thắng cang, nhược thắng cường. Thiên hạ mạc bất tri, mạc năng hành. (Lão-Tử).
[xxx] "Il faut être deux pour se battre, Il fout être d'accord pour se battre: la résistance que fournit l'attaqué est nécessaire à l'agresseur; c'est à elle qu'il s'attaque. N'importe lequel des conbattants peut donc, n'importe quand, faire cesser le combat. Il n'a qu'à refuser l'appui de cette résistance... si je vous soufflette la joue droite et que vous me répondiex par un seufflet, le pacte de lutte est conclu du même coup: à nous deux maintenant. Mais si vous me tendex la joue gauche et me diles: "Je vous permels de frapper aussi bien celle-ci, mon ami: je prendrai volontiers cette peine pour vous faire entendre que vous avez torti", les bras m'en tombent, la stupeur fait place à la colère ét la réflexion à la stupeur". - La jeune Inde.
[xxxi] Ce que j'admire le plus dans le monde, c'est l'impuissance de la force pour organiser Il n'y a dans le monde que deux puissances; le sabre et l'esprit. A la longue, le sabre est toujours vainnu par l'esprit (Napoléon).
[xxxii] Xem chương trước: "Chiếc thuyền không" của Trang-Tử.
[xxxiii] Aurobindo Ghose, một nhà đạo học khét tiếng Ấn Độ nói "En général, la non violence vaut mieux que la violence, et pourtant parfois la violence peut être la chose juste" - (Lettres, tomell) p. 460 - 461. - Theo lệ thường, sự bất bạo động quý hơn là bạo động, nhưng lắm khi, dùng đến bạo động mới có thể là việc chánh đáng.
[xxxiv] Xem quyển "Cái Dũng của Thánh nhân" bàn về phép điêu luyện cái tinh thần điềm đạm ấy.
[xxxv] Cổ Văn: Tử Sản thọ chánh Thái Thúc (Tả khưu Minh).
[xxxvi] Trang Tử.
[xxxvii] Trang Tử.
[xxxviii] Dịch Kinh: "... Tri tiến nhi bất tri thoái, tri tồn nhi bất tri tông, tri đắc, nhi bất tri táng..." "...sở dĩ động nhi hữu hối dã". (Thượng kinh, Kiền quai).
[xxxix] Liệt Tử: Trọng Ni (Đệ tứ thiên).
[xl] Dịch: Dịch, cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu" (Hệ từ hạ). Đạo dịch là: cùng thì biến, biến thì thông, thông thì rầu.
[xli] Dịch: "Tùy thời chi nghĩa, đại hỉ tai!" (Thoán thượng truyện). Tùy thời không phải là Xu thời như người ta lầm hiểu... và vu cáo cho các đạo xử thế của cổ nhân.
[xlii] "Tri tiến thoái tồn vong chi đạo nhi bất thất kỳ chính giả, kỳ duy thánh nhân hồ!" Dịch kinh (Kiền quái, Thượng kinh).
[xliii] Làm người là khó!...
[xliv] Dịch: "Sách thì không nói được hết lời, lời thì không tả được hết ý..." (Hệ từ thượng).
[xlv] Dịch: "Tinh nghĩa nhập thần, dĩ trí dụng dã". Hiểu rõ nghĩa tinh vi; vào đến chỗ
thần diệu để sử dụng được đến cùng (Hệ từ hạ).

Thuật Xử Thế Của Người Xưa Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần Chương (10 -11)

KHÔN, chết
DẠI, chết
BIẾT... sống
(Trang Tử)
NGƯỜI CHÚNG TA thường nói: Khôn sống, mống chết. Mới nghe, không thể nghi ngờ gì nữa được. Nhưng, nếu nghĩ cho sâu, xét cho rộng ta sẽ thấy, chưa ắt: khôn là sống mà dại là chết...
Khôn, mà khôn như Hàn Tín, Dương Tu... thì làm sao mà sống được. Còn dại, mà dại như Phạm Lãi, Tử Phòng... thì làm sao mà chết được... Cho nên bàn đến Khôn, Dại... chưa biết lấy gì làm chuẩn đích.
*
Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi.
Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Một tên thợ rừng đứng bên nó mà không đốn. Hỏi tại sao, nó nói: "Không dùng đặng nó chỗ nào hết." Trang Tử nói: "Cây nầy vì bất tài mà đặng sống lâu".
Ra khỏi núi, Trang Tử ghé vào nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để nấu ăn. Thằng nhỏ thưa: "Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?" Chủ nhà nói: "Giết con không biết gáy".
Bữa sau, đệ tử hỏi Trang Tử: "Hôm qua cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giá như Thầy phải xử trí như thế nào?"
Trang Tử cười nói: "Tài và bất tài, cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân... Chỉ có kẻ nào biết... là sống mà thôi..."[xxxvii]
KHÔN, chết...
DẠI, chết...
BIẾT, sống...
*
Biết lúc khôn, biết lúc dại... nghĩa là biết thời biết thế. Chung quy chẳng qua biết rõ một chữ "thời"...
Lão Tử nói: "Thông minh duệ trí, thủ chi dĩ ngu; dũng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp..." Mình là bực thông minh, trí thức sâu sắc nhất, hãy biết làm như kẻ ngu khờ... Mình là bực dũng lực kinh người, hãy biết làm như kẻ nhút nhát...
Nào đâu có bảo mình phải là đứa ngu! Sự thật là mình phải thật thông minh... vì chỉ có kẻ thật thông minh mới biết lúc nào nên làm như kẻ ngu được mà thôi.
Lữ Khôn nói: "... Thông minh, người ta ghét; thông minh mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín."
*
Nhưng, biết được chữ Thời, đâu phải dễ gì. Thái quá là dở, mà bất cập cũng không hay. "Người trí đi quá mực Trung; kẻ ngu theo không kịp mực Trung..." (Trí giả quá chi, ngu giả bất cập chi).
Phần đông, chỉ "biết tiến, mà không biết thối; chỉ biết giữ cho còn, mà không biết làm cho mất; chỉ biết lấy cho được mà không biết bỏ đi..." nên, hễ hành động thì chắc chắn không khỏi có điều hối hận.[xxxviii]
Trong sách Liệt Tử có câu chuyện nầy, cũng tạm có thể miêu tả thái độ "vô khả, vô bất khả" của một người đã học đặng chữ Biết ấy...
Tử Hạ hỏi Khổng Tử: "Nhan Hồi là người thế nào?".
Khổng Tử nói: "Cái nhân của Hồi hơn ta".
Tử Hạ lại hỏi:
- Tử Cống là người thế nào?
- Cái mau mắn của Tứ hơn ta.
- Tử Lộ là người thế nào?
- Cái dũng của Do hơn ta.
- Tử Trương là người thế nào?
- Cái vẻ trang-nghiêm của Sư, hơn ta.
Tử Hạ lấy làm lạ, đứng dậy thưa: "Vậy thì tại sao bốn người ấy lại còn theo Thầy mà học?"
Khổng Tử nói: "Ở đây ta bảo cho: Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân; - Tứ chỉ biết mau mắn mà không biết lúc chậm chạp; - Do chỉ biết hùng dũng mà không biết lúc nên nhút nhát; - Sư chỉ biết trang nghiêm mà không biết lúc ung dung để hòa đồng với mọi người. Nay gồm tất cả những cái hay của bốn người ấy có mà đổi với cái ta có, ta không đổi. Bởi vậy, họ phải thờ ta làm Thầy mà không có hai lòng."[xxxix]
Biết đây, là biết tùy lúc mà biến thông cho hạp thời trúng tiết... Nếu chỉ biết khư khư một mực... dầu hay đến đâu cũng hỏng việc. Mạnh Tử bảo: "Sở ố chấp nhất giả, vị kỳ tặc đạo. Cử nhất, nhì phế bách". Cái đáng ghét trong sự chấp nhất là vì nó làm hại đạo: làm được một việc mà hư cả trăm việc.
Trọng hệ nhất trong đạo xử thế, là biết biến, vì "có biến mới có thông, có thông mới lâu bền được".[xl]
"Cái nghĩa của chữ tùy thời, lớn vậy thay!"[xli]. Cho nên: "Kẻ biết cái đạo tiến, thoái, tồn, vong mà không bao giờ sai cái chỗ chính trung của nó, có lẽ chỉ có bực thánh nhân mà thôi ư?"[xlii]
Ôi! Chỉ có bực thánh nhân mà thôi ư! Vậy mà bực thánh như Khổng Tử lại còn phải than:
Vi nhơn nan...
Vi nhơn nan...[xliii]
Thế mới hay: "Ở đời không có cảnh ngộ nào dễ xử..."
*
Cái Biết như thế, - cái điều có thể cảm được mà không thể nói ra được, có thể hiểu được mà không thể chỉ ra được ấy, - muốn đạt được nó, phải làm thế nào?
"... Thư bất tận ngôn, Ngôn bất tận ý..."[xliv]
Vậy thì, ta phải biết "tinh nghĩa nhập thần"[xlv] mới mong sử dụng được đến cùng cái đạo xử thế của cổ nhân...
Phật còn phải bảo với các đệ tử: "Kìa là mặt trăng! Các con cứ theo ngón tay ta chỉ mà nhìn thì thấy. Nhưng, nên nhớ rằng ngón tay ta không phải là mặt trăng... cũng như những lời ta giảng về Đạo. Các con có thể theo ta giảng mà tìm thấy Đạo. Nhưng nên nhớ rằng: "Lời giảng của ta không phải là Đạo"...
BỰC QUÂN TỬ thời xưa, ở Á Đông đại khái có thể chia ra làm hai hạng người có hai lối nhân sinh, hai đường xử thế khác nhau rất rõ rệt.
Hai hạng người đó, mỗi hạng đều ôm ấp một tâm sự... Muốn tìm hiểu tâm sự của mỗi người, một quyển sách cả ngàn trang cũng không sao nói được hết ý. Thế mà nếu có thể tóm lại, người ta cũng có thể tóm lại trong một câu chuyện hết sức gọn gàng đầy đủ trong một trang sách nhỏ: Câu chuyện Khuất Nguyên và lão đánh cá. Đấy cũng là chỗ sở trường của người Á Đông vậy.
*
Khuất Nguyên làm quan cho vua Hoài Vương nước Sở, bị sàm báng mà bị phóng khí. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo, Khuất Nguyên vừa đi vừa hát ở bên bờ đầm.
Có ông lão đánh cá trông thấy hỏi:
- Ông có phải là Tam lư đại phu đó không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?
Khuất Nguyên nói:
- Cả đời đục, một mình ta trong; cả đời say một mình ta tỉnh, bởi vậy ta mới bị phóng khí.
Ông lão đánh cá nói:
- Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục theo một thể? Loài người say cả, sao ông không biết ăn cả men, húp cả bã cho say theo một thể? Việc gì mà phải phòng xa nghĩ sâu cho đến nỗi phải bị phóng khí?
Khuất Nguyên nói:
- Tôi nghe: mới gội đầu tất phải chải mũ; mới tắm tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ.
Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay chèo bơi đi, hát:
Sông Tương nước chảy trong veo,
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục chảy ra,
Thì ta lội xuống để mà rửa chân...
Hát xong, đi thẳng, không nói gì nữa.
*
Tâm sự của Khuất Nguyên đâu phải riêng gì của Khuất Nguyên, mà nó là tâm sự chung của phần đông nhân loại từ xưa đến nay vậy.
Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
Lòng tự ái của ta xui ta bao giờ cũng tin tưởng như thế. Điều ta nghĩ luôn luôn đúng; việc ta làm luôn luôn phải. Không đúng, không phải, làm sao ta dám nghĩ, dám làm... Thằng bất nhân bất nghĩa nhất trong đời có bao giờ tin mình là bất nhân bất nghĩa đâu. Tào Tháo, một tên gian hùng đệ nhất xưa kia, cũng vẫn tin mình thế thiên hành đạo, mà một trái bom nguyên tử trên Hiroshima, giết một loạt sáu trăm ngàn người... cũng chỉ là một việc làm hết sức nhân đạo: sát nhất miêu cứu vạn thử...
Dầu là một kẻ ngu... cũng vẫn tin việc mình là phải. Người xưa nói: Ta có thể đoạt ấn soái giữa chốn ba quân, nhưng không thể đoạt được dễ dàng cái chí của một kẻ thất phu. Câu nói này thật là một câu nói khám phá được cả tâm sự loài người.
*
Tôi có lý! Đấy là một tin tưởng mà cũng là một quả quyết.
Tôi có lý! Đấy cũng là một cơ hội để nâng cao cái bản ngã của mình lên, kẻ nào dám đương nhiên xâm phạm là chạm đến sinh mạng thiêng liêng của mình vậy. Mình không thể tha thứ được những ai dám bảo mình lầm.
Tin rằng chỉ có một mình mình có lý, và chỉ tín suông như thế thôi, thì có gì là lạ, mà cũng có gì là hại cho ai đâu. Bất quá là ai có ý kiến nấy. Nguy hiểm là, trong khi ta tin ta có lý, ta lại tin rằng kẻ nào không theo về cùng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm... Nghĩa là, trong khi ta tin mình có lý, ta cũng vừa lên án kẻ khác không đồng một ý kiến với ta là sái quấy, là lạc lầm:
Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
Bởi vậy, đời mà không có ta can thiệp đến... đời sẽ mê loạn đến bực nào.
Đã tự cho là người giác ngộ, thì cũng vừa là tự ban cho cái sứ mạng cứu đời... Bụng thương đời tha thiết của ta khiến ta khó nỗi dửng dưng với thế sự... Lòng nhiệt thành hăng hái về việc cứu đời của ta không cho phép ta có thể thản nhiên được với bọn người dám ngang nhiên công kích kế hoạch cứu thế của ta. Chống lại với ta, là bọn người lạc hậu; nghịch lại với ta, là bọn người phản tiến hóa. Vậy, phận sự của ta, phận sự của con người giác ngộ là phải lo độ kẻ khác, bất cứ bằng phương pháp nào...
Trong khi
Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
thì hơi sức nào chiều theo ý của mọi người... Bất luận là phương pháp nào, nô lệ, dã man... cũng không sao cả, miễn ta cứu độ được người ra khỏi vòng tăm tối là được.
Phận sự của ta chẳng những lo cứu độ đời mà còn phải lo trừng phạt những kẻ nào chặn đứng con đường tiến hóa của nhân loại, nếu cần...
Những khẩu hiệu thế thiên hành đạo, tế thế độ nhơn sở dĩ mọc lên như nấm... cũng chỉ vì cái bụng yêu đời và lo đời ấy của ta... lo cho đời đều theo về cùng một cái khuôn tư tưởng như mình.
Nhưng mà, than ôi, tâm sự của ta, nó cũng lại là tâm sự của mọi người... Rồi đây, có lẽ thiên hạ không còn ai có thể dung túng ai được nữa. Ai ai cũng tin:
Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
thì làm gì nhân loại tránh khỏi tao loạn lầm than mà tự cổ chí kim, không thời nào tránh khỏi. Cái bệnh ham làm thầy đời, cái bệnh thà làm đầu con gà hơn làm đít con trâu của ta, nó là cái tâm bệnh của loài người... Bởi vậy, ta mong ước, ta tin tưởng chỉ có một mình ta trong, chỉ có một mình ta tỉnh, để ta có cơ hội lên mặt thầy đời hiu hiu tự đắc: trí hơn người ngu, khôn hơn kẻ dại... Rủi mà ngày nào, cái bọn người ngu si mê muội kia mà tiêu mất hết đi rồi, thì cái bọn thầy đời của chúng ta đây dựa vào đâu mà tồn tại! Thế mà ta lại muốn độ cho bọn ngu mê trong thiên hạ đều phải khôn ngoan sáng suốt như ta cả, ta nào có dè ta lại làm một điều mâu thuẫn, ta đang phá hoại cái ngai vàng của ta vậy...
*
Cái chết của Khuất Nguyên là cái chết dĩ nhiên... cái chết tỏ sự bất lực của mình không đủ uy thế để bắt buộc kẻ khác phải nghe theo mình, vì ai ai vẫn tin như mình:
Cả đời đục, một mình ta trong,
Cả đời say, một mình ta tỉnh...
và, bởi có đủ quyền bắt buộc kẻ khác phải nghe theo, nên lẽ dĩ nhiên họ phải sa thải mình, nếu mình không đồng ý kiến với họ... Đó là lẽ dĩ nhiên nó phải vậy: kẻ nào mạnh, thì thắng...
Khuất Nguyên, với một tâm sự dường ấy, chỉ còn có một cách là tự sát: người ta mà không sát phạt được kẻ khác khi họ chạm đến lòng tự ái của mình... thường hay sát phạt lại mình mới hả dạ... Những đứa trẻ... muốn đánh cho kỳ được bạn nó khi uất ức mà phải bị một lẽ gì trở ngại... lòng sát phạt ấy trở sát phạt lại bản thân: nó đấm ngực nó, nó cắn tay nó... cho đến chảy máu mới vừa lòng... Khuất Nguyên với tâm trạng này, tránh sao khỏi sự hủy mình... vào bụng cá...
*
Còn lão đánh cá?
Tâm sự lão thắc mắc không biết chừng nào... Lão là người hiểu tình đời sâu sắc lắm... Lão hiểu người như Khuất Nguyên dầu có cố tâm bàn cãi với họ cũng vô hiệu quả...
*
Ôi! Trách người mê, sao không biết trách mình không biết cách làm cho người ta tỉnh? Dạy người mà dạy không đặng, biết đâu chẳng phải vì ta không biết cách dạy... Cớ sao lại biết chắc là vì người ta ngu? Người trí, mỗi khi làm hỏng một điều gì, đều tìm hiểu nguyên nhân để trách mình trước nhất.
*
Lão sở dĩ không muốn bàn cãi với Khuất Nguyên thêm nữa, nào phải lão đã đuối lý, cũng đâu phải lão là một kẻ yếu hèn, không dám đương nhiên chống đầu với dư luận, không đủ cương quyết để hô hào cổ vũ hay bắt buộc kẻ khác đồng theo... Lão sở dĩ bỏ ra đi là vì lão biết rõ tâm hồn của Khuất Nguyên bị tình dục giày vò: cái tình dục tự tôn tự đại. Thử hỏi trong đời có cái tình dục nào mà nhiễu hại người một cách thống thiết bằng không; mà cũng có cái tình dục nào làm cho người mờ ám ngu nguội bằng không! Khi mà người ta để cho cái tình dục ấy thống trị con tâm của mình rồi thì trong đời, không còn có một lý lẽ nào có thể đem mình trở về con đường sáng suốt điềm tĩnh được nữa. Dùng lý lẽ để nói chuyện với họ là một việc làm vô ích. Tình dục của mình nó có những lẽ phải, mà chính lẽ phải không sao hiểu nổi...
Hơn nữa, lão đã hiểu rõ cái lẽ tương quan của sự vật, nhứt là cái luật bất bình đẳng tự nhiên của nhân loại, cho nên lão không tin có một ý kiến nào là tuyệt đối, nghĩa là phải, chung cho tất cả mọi người. Cái phải đối với người này chưa ắt cũng là cái phải đối với người kia; cái quấy đối với người kia, chưa ắt cũng vẫn là cái quấy đối với người nọ. Cũng như, chỗ thích của kẻ ngu, người trí lấy làm bực mình, thì cái thích của người trí, kẻ ngu cũng lấy làm bực mình vậy. Trình độ, tâm tính khác nhau... thì sự ưa ghét cũng phải khác nhau.
Bởi vậy, lão không tin ở đời có ai dạy được ai. Nếu dạy được thì xưa nay, thánh nhân đã dạy được người đời rồi, cha đã dạy được con, thầy đã dạy được trò, anh đã dạy được em, chồng đã dạy được vợ... mà hiện thời nhân loại đã sống được trong cảnh thái bình và thiên đàng rồi vậy. Có dạy được chăng là những kẻ cũng đồng một tâm hồn, một chí hướng như mình, hễ đồng với ta cho ta là phải, không đồng với ta cho ta là quấy. Cái phải, quấy của người ta bất quá chỉ có bấy nhiêu thôi.
Nghĩ thế, lão không chịu cam thiệp, bắt ép người ta phải theo cùng một ý kiến với mình về điều phải lẽ quấy... Nào phải lão sợ gì thiên hạ bất bình... mà bởi lão không chịu những bực thức giả trong đời cười lão là mê muội...
*
Trong thiên hạ ngày nay, hạng người như Khuất-Nguyên lại chiếm hết chín mươi chín phần trăm nhân loại, họ tin quyết rằng:
Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
thế mà mình cũng vẫn bâng khuâng tha thiết lo cho họ nhìn nhận cái mê của họ, lòng tự ái đui mù của họ có cho phép họ nhìn nhận cái mê của họ không? Không khéo, rồi mình lại còn mê hơn họ nữa mà không hay! Vậy, mình thà chịu dại còn hơn.
*
Biết là việc không thể làm, mà cũng cố làm cho kỳ được... người đời cho đó là hạng người đại chí; theo lão, lão cho hạng người ấy là hạng làm liều... Người trí, phải chăng là kẻ biết phân biệt rạch ròi những gì có thể làm được và những gì không thể làm được. Cầu may mà được, kẻ ngu lấy làm thích, mà người trí lấy làm lo... Chứ nào phải lão là một kẻ rụt rè ích kỷ, một vật gỗ đá gì mà có thể dửng dưng với thế sự, lạnh nhạt với tình đời.
*
Bực thánh nhân sao lại câu nệ mà không biết tùy thời... Nếu quả thật "đời đục cả, thì sao ta không biết khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho mình cùng đục một thể?" Nếu quả thật "đời say cả, thì sao ta không biết ăn cả men húp cả bã cho cùng say theo một thể?". Con cá mà muốn làm khác loài cá, bỏ nước nhảy lên bờ, thì chết; con hổ mà muốn làm khác loài hổ, bỏ núi ra đồng bằng thì chết. Người ta đều ngu cả mà mình muốn tỏ cái khôn của mình ra để khác biệt với họ, biết đâu lại không vời họa đến cho mình? Khôn mà biết làm như ngu, mới thật là khôn kín. Học được cái ngu nầy của lão, đâu phải dễ dàng gì...
*
Trước cử chỉ ngạo nghễ của Khuất Nguyên tin rằng:
Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
nhất quyết không chịu đem cái thân trong sạch (!) của mình để cho vật dơ bẩn (!) dính vào mình thì bực thức giả như lão đánh cá đây, chỉ còn có một nước là tủm tỉm cười... quay chèo bơi đi nơi khác không nói một lời... ôm theo mình một tâm sự lạnh lùng:
Sông Tương nước chảy trong veo,
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục chảy ra,
Thì ta leo xuống để mà rửa chân
*
Người ta sẽ bảo: cử chỉ bất can thiệp của lão sẽ không lợi gì cho đời, lại còn tai hại cho đời là khác... Người ta sẽ không còn ai lo đời nữa, ai ai cũng đều bó gối ngồi không... việc thiên hạ rồi sẽ ra như thế nào?
*
Việc ấy làm gì có được... Làm gì có thể cấm con chó sủa, con gà gáy, cũng như làm gì cho cái hạng người như Khuất-Nguyên nầy mà đừng can thiệp đến việc đời... Thấy được cái nhu trong cái cương, cũng như thấy được cái cương trong cái nhu... nghĩa là có nhận thức được cái mâu thuẫn ngầm chứa trong mọi sự vật trong đời, thì mới mong hiểu được nỗi lòng của hạng người như lão đánh cá nầy. Những đầu óc chỉ biết suy nghĩ có một chiều như Khuất-Nguyên, chỉ biết có một cái phải hay một cái quấy nào; chỉ biết tịnh là tịnh, mà động là động, chứ không thể hiểu được trong tịnh có động, trong động có tịnh... thì làm gì hiểu nổi hành động của lão đánh cá: hạng người nầy, họ làm, mà như không làm gì cả, họ không làm gì cả, mà không gì là không làm... Sở dĩ lão mỉm cười, bỏ ra đi, không nói một lời... lý do ta có thể hiểu được.
*
Nhưng nói cho cùng mà nghe, nếu việc ấy mà có được, nếu vì chủ nghĩa bất can thiệp của lão mà thiên hạ ai ai cũng chỉ biết lo cho nấy, và việc đời rồi sẽ không còn ai lo cho ai nữa cả... thì có lẽ sẽ là điều may mắn nhất cho nhân loại biết chừng nào! Nếu mỗi người mà được như lão, ai ai cũng biết lo cho mình, lo cho mình một cách sáng suốt, lo cho mình tới chỗ thật biết thật hiểu, cho một thân thể không đau, một tinh thần không loạn... thì có cần ai gì phải can thiệp đến việc ai, mà người người đều hạnh phúc cả. Đời mình mà còn phải có người lo, đâu phải là một cái đời tự do và hạnh phúc. Và, bởi ai ai cũng chỉ biết lo cho đời, hăng hái chỉ có một việc lo đời mà chẳng biết lo mình trước, ai ai cũng tin:
Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh...
mới có cảnh hỗn độn lầm than ngày nay vậy.
*
Có tự giác mới giác tha, có cứu được mình mới cứu được người. Mình mà còn tham lam thân trữ, nô lệ dục vọng mình, nô lệ thành kiến mình, nô lệ tín ngưỡng mình, còn chết trong một cái lẽ phái nào... thì tốt hơn đừng bận tâm đến việc đời làm chi để đỡ cho đời một cái nạn.
*
Rồi, giữa trời nước bao la... nghĩ đến cái kiếp nhỏ nhen hữu hạn của con người trước cái khoảng mênh mông vô tận của Vũ trụ... lòng lão không thể không thắc mắc...
Ừ! Cuộc đời rồi cũng... chẳng qua là một giấc mộng. Những cuộc doanh hư tiêu trưởng, thành bại, đắc thất ở đời nào đâu phải chỗ sở cầu của con người mà được... Đó chẳng qua là cái luật thăng trầm, như ngày đêm tiếp tục mãi mà không thôi vậy. Hễ, "vật cực tắc phản, vật cùng tắc biến", đấy là một cái luật lạnh lùng của tạo hóa, không ai có thể cưỡng cầu. Lấy sức người mà thay vào cái guồng máy to tát của Vũ trụ, liệu có nên trò trống gì không? Hay chỉ rồi:
Quyền họa phúc trời tranh tất cả,
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai;
Cái quay búng sẵn trên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...
Vậy chứ những lâu đài rực rỡ của những văn minh tự ngàn xưa để lại trên quả địa cầu nầy... đã không chôn vùi lặng lẽ dưới đống tro tàn...
*
Hai lối nhân sinh, hai đường xử thế... mà cũng là hai bầu tâm sự, hai khối tâm hồn... không thể sống chung nhau mà vẫn cùng thời gian bất tuyệt phải sống mãi cạnh bên nhau, phải chăng cũng là một nỗi khổ tâm cho cả hai đàng vậy?
Thu-Giang NGUYỄN-DUY-CẦN
Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .