Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Kinh doanh đơn giản


Kinh doanh đơn giản
1. Vài ngày trước một ao cá khai trương, phí câu cá là 300 nghìn.
Ông chủ nói không câu được cá sẽ đưa cho một con gà. Thế là rất nhiều người đều đi. Khi trở về, mỗi người mang theo một con gà.
Sau đó, người canh cổng ao cá nói, ông chủ vốn là hộ nuôi gà chuyên nghiệp, ao cá này không có cá.
Phương pháp này gọi là “xả hàng tồn kho”.
2. Sau vài ngày, một ao cá khác cũng khai trương, câu cá miễn phí.
Nhưng câu cá lên phải mua với giá 150 nghìn một cân. Kết quả vẫn có rất nhiều người đi. Điều kỳ lạ là cho dù có biết câu cá hay không đều có thể một ngày câu hơn mười con. Tất cả mọi người đều cảm thấy mình là bậc thầy câu cá.
Sau đó, người canh cổng ao cá nói cá là mua từ chợ bán sỉ 30 nghìn một cân. Con trai ông chủ lặn dưới nước mắc từng con từng con một vào lưỡi câu.
Phương pháp này gọi là “cải cách phía cung”.
3. Hai ngày sau, một cái ao cá thứ ba được khai trương.
Ao cá này được phép tung lưới bắt cá, lại để cho khách hàng mặc áo tơi, đeo mũ rộng vành, trèo lên thuyền nhỏ, giả trang thành ngư dân, trải nghiệm cuộc sống sông nước.
Ao cá có người chuyên môn phụ trách chụp ảnh đẹp, cho khách hàng chia sẻ trên mạng nhằm thu hút thêm khách hàng. Cuối cùng, cá đánh bắt được bán với giá 100 nghìn một cân. Rất nhiều người thích đi. Một lần thả lưới là bắt được hơn mấy chục cân cá.
Ao cá một ngày tiêu thụ tăng từ 250 cân đến 5000 cân. Hơn nữa, chu kỳ thời gian được rút ngắn. Khách hàng trải nghiệm bắt cá thật vui vẻ, cũng mang đi bán tháo ở chợ bán sỉ. Sau đó, người canh cổng ao cá nói phương pháp này gọi là “đòn bẩy cải cách”.
4. Ao cá thứ tư lại khai trương, lấy cảm hứng từ ba ao cá trước.
Ao cá này được câu miễn phí, cá câu lên có thể miễn phí lấy đi. Rất nhiều người thích đi. Một số người thực sự câu được mỹ nhân ngư.
Sau đó cùng ăn trưa với người cá. Thu nhập từ phục vụ ăn uống so với câu cá cao hơn nhiều. Xem ông chủ ao cá nói, thực ra mỹ nhân ngư là tôi dùng tiền mời đến đấy! Phương pháp này gọi là “khai thác sâu nhu cầu khách hàng”.
5. Gần đây, áo cá khai trương khá nhiều, trở thành một dự án nóng.
Ông chủ thường xuyên nói với khách hàng câu cá, đầu tư ao cá kiếm được nhiều tiền, nửa năm thu hồi vốn, một năm gấp đôi. Để huy động vốn, bây giờ đẩy ra kế hoạch khuyến khích hội viên. Một lần duy nhất góp 18 triệu nhưng hưởng chế độ ưu đãi hội viên vĩnh viễn, đồng thời được hưởng 1% cổ phần công ty, hàng năm chia hoa hồng 5 triệu. Nếu như rất cần tiền, còn có thể chuyển nhượng cổ phần. Khách hàng đang lo không có chỗ đầu tư, một dự án tốt như thế, không đợi đến trưa, một trăm người giao tiền.
Sau đó người canh cổng ao cá nói, ông chủ năm ngoái vay ngân hàng 2 tỷ đồng đã quá hạn, hôm nay là hạn chót trả nợ rồi, còn nợ nửa năm tiền lương của nhân viên. Phương pháp này gọi là “chứng khoán hóa tài sản”.
6. Ngày ao cá thứ năm khai trương, truyền thông đưa tin rộng khắp.
Rất nhiều ông chủ doanh nghiệp đến học hỏi kinh nghiệm.
Ông chủ ao cá chống đỡ không kịp, cuối cùng phải giải thích, thực ra là người canh cổng mới là đại cổ đông sau lưng chỉ đạo mỗi lần cải cách thành công. Ông chủ tiếp phóng viên thăm hỏi nghẹn ngào rơi nước mắt nói: “Trước kia tôi chỉ là người làm ăn bình thường, có thể có thành công hôm nay là do tôi không ngừng học tập.” Cái này gọi là: “Tri thức thay đổi vận mệnh, ý tưởng quyết định lối thoát”.

St 

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

ĐẠO LÀM NGƯỜI


ĐẠO LÀM NGƯỜI

Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
Không buồn thương sao biết chuyện con người
Không nghèo đói làm sao thi vị hóa
Không lang thang sao biết gió mưa nhiều
Không hổ thẹn sao biết đời vinh nhục
Không đau buồn sao biết nghĩa gian nan
Không yêu thương sao biết sầu ly biệt
Không hiếu thảo sao biết đạo làm người !!!





Vội

Vội đến, vội đi, vội nhạt nhòa
Vội vàng sum họp vội chia xa.
Vội ăn, vội nói rồi vội thở
Vội hưởng thụ mau để vội già.

Vội sinh, vội tử, vội một đời
Vội cười, vội khóc vội buông lơi.
Vội thương, vội ghét, nhìn nhau lạ!
Vội vã tìm nhau, vội rã rời...

Vội bao nhiêu kiếp rồi vẫn vội
Đuổi theo hạnh phúc cuối trời xa.
Ngoài hiên, đâu thấy hoa hồng nở
Vội ngày, vội tháng, vội năm qua.

Cứ thế nghìn thu đời vẫn vội
Mặt mũi ngày xưa không nhớ ra.
'' Đáy nước tìm trăng'' mà vẫn lội
Vội tỉnh, vội mê, vội gật gà...

Vội quên, vội nhớ vội đi, về
Bên ni, bên nớ mãi xa ghê!
Có ai Giác lộ bàn chân vội
'' Hỏa trạch'' bước ra, dứt não nề...

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Hồ trong nước lặng






Hồ trong nước lặng 
Cá lội thảnh thơi
Dầu ai phú quý trong đời,
Quê hương chẳng biết, lẽ trời chưa thông
Bóng tối mông lung
Người mang áo gấm.
Áo kia dầu đẹp
Chẳng được tiếng khen 

Trương Lương

Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Có thành phố như giấc mơ im ắng.


Có thành phố như giấc mơ im ắng.
Đầy bụi bám.
Một dòng sông phẳng lặng.
Một dòng sông nước như gương lờ trôi…
Ở một nơi nào đấy xa xôi
Có thành phố ngày xưa, có thành phố
Nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó
Từ rất lâu, đã từ lâu, trôi qua…
Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà.
Đến ga, xếp hàng mua vé:
Lần đầu tiên trong nghìn năm.
Có lẽ.
Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung -
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết! - 

Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?
Nếu không kể đôi khi ta tới đó
Qua trí nhớ
Của chúng ta
Từ nhỏ….
Thành phố Tuổi Thơ - thành phố chuyện thần kỳ
Cơn gió đùa, tinh nghịch dẫn ta đi.
Ở đấy, làm ta say, chóng mặt
Là những cây thông vươn tới mây.
Là những ngôi nhà cao, cao ngất.
Và mùa đông rón rén bước trong đêm.
Qua những cánh đồng phủ tuyết trắng và êm
Ôi thành phố Tuổi Thơ - bài ca ngày nhỏ
Chúng tôi hát -
Xin cảm ơn điều đó!
Nhưng chúng tôi không trở lại
Đừng chờ!
Trái đất nhiều đường.
Từ thành phố Tuổi Thơ
Chúng tôi lớn đi xa…
Hãy tin!

Và thứ lỗi! 

Cuộc sống mãi trôi theo thời gian nước chảy
Mỗi ngày qua xoay ta đến cuồng quay
Ta mãi đuổi theo hoài vọng nào hay
Ta quên mất tình yêu và nhân đạo…

Để một ngày ta chợt nhận ra
Ta đã bỏ quên một khoảng trời xanh đó
Ta đã bỏ quên một khoảng đời ta có
Để đuổi theo những mơ mộng hảo huyền…


ST

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Trưng bày hàng hóa – sự pha trộn giữa khoa học và nghệ thuật

Kệ hàng được coi là mắt xích quan trọng nhất trong chặng đường đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng. Đó là nơi mà cung – cầu gặp nhau một cách hữu hình nhất, nơi chủ cửa hàng tìm mọi cách để “móc hầu bao” người mua còn người mua sống trong thiên đường trong mơ của chính bản thân.
Nghiên cứu về hành vi mua sắm của khách hàng đã chỉ ra rằng: 83% hành vi mua hàng được quyết định bởi cái nhìn, 11% chi phối bởi âm thanh, 3,5% tác động bởi khi khách hàng chạm; 1,5% khi ngửi thấy mùi hương và chỉ 1% khi trải nghiệm sản phẩm. Con số này càng có ý nghĩa khi người mua hàng ngày càng dành ít thời gian cho việc mua sắm nên việc tìm cách thu hút họ đến với sản phẩm của mình trên kệ trưng bày, tối ưu hóa giỏ hàng là điều đặt lên cao hơn cả.
Việc trưng bày hàng hóa thường mang đến 2 tác động chính:
Một là hướng đến sự tiện lợi nhất dành cho khách hàng trong việc tìm kiếm và chọn mua sản phẩm. Tuy nhiên mục tiêu này có thể làm giảm thời gian mua sắm của khách hàng và thường được sử dụng phổ biến ở điểm bán nhỏ lẻ truyền thống; còn đối với siêu thị hay trung tâm mua sắm, nó chủ yếu phục vụ nhóm khách hàng không có nhiều thời gian mua sắm.
Hai là tập trung vào việc kéo dài thời gian mua sắm của khách hàng đó, tăng thời gian khách hàng tiếp xúc với sản phẩm và làm tăng khả năng mua hàng “bốc đồng” (mua hàng không đúng với mục tiêu ban đầu).

Khoa học đằng sau những quầy kệ trưng bày hàng hóa

Trên thực tế, hầu hết mọi người nghĩ rằng việc trưng bày hàng hóa mang tính chất thẩm mỹ, cảm xúc cá nhân nhiều hơn, làm sao để đẹp nhất, tiện lợi nhất. Tuy nhiên đằng sau 2 chữ “tiện lợi” ấy là cả sự nghiên cứu sát sao tâm lý người mua hàng.
Siêu thị là nơi thể hiện rõ nhất việc doanh nghiệp phân phối hàng hóa chi phối tâm lý người mua hàng thông qua việc trưng bày sản phẩm trên quầy kệ. Đã có rất nhiều bài phân tích của các chuyên gia, chung quy đều ngầm khẳng định “Đằng sau việc trưng bày sản phẩm tưởng chừng như vô lý kia lại chứa đựng sự tính toán đầy mưu mô với mục tiêu rút càng nhiều tiền hơn trong ví người mua hàng”. Paco Underhill – chuyên gia về người tiêu dùng trong cuốn sách “Why we Buy: The Science of Shopping” (Tạm dịch: Tại sao chúng ta mua hàng: Khoa học Shopping) đã chỉ ra rằng “Hai phần ba những gì chúng ta mua trong siêu thị hầu như là những thứ không cần thiết lắm hoặc ít ra cũng không nằm trong danh sách mua sắm của mình”. Những thứ đó có thể ngoài chủ đích của bạn, nhưng không phải lỗi ở siêu thị mà ở chính tâm lý của bạn. Mọi khía cạnh của cửa hàng, từ cách bố trí sản phẩm gần lối ra vào cho đến hộp sữa ở phía sau quầy kẹo – được thiết kế để kích thích mua sắm. Tất cả đều dựa trên những tính toán khoa học.
Thông thường người tiêu dùng khi bước vào siêu thị đều phải mất một khoảng thời gian để chuyển từ “tâm lý bình thường” sang “tâm lý mua sắm” (tiêu tiền). Chính vì vậy khu vực ngay sau cửa vào siêu thị được coi là nơi “định thần” – ít khi tạo ra doanh thu nên thường được làm khu trưng bày khuyến mãi hay quảng cáo. Còn nơi tập trung nhu cầu cao nhất như hàng tiêu dùng, thực phẩm lại được đặt ở cuối siêu thị để khách phải đi suốt các dãy kệ, biết đâu kích thích được họ mua món đồ khác. Tương tự những món hàng bán chạy, có doanh số cao lại được đặt ở chính giữa kệ hàng để khách hàng khi kiếm nó phải đảo mắt qua một loạt sản phẩm khác. Đồng thời vị trí của sản phẩm cũng được tính toán để gia tăng sức mua của người tiêu dùng, ví dụ sản phẩm ngành thực phẩm được đặt cạnh ngành nước giải khát, sản phẩm chăm sóc da để cạnh hàng mỹ phẩm….vì người ta thường có khuynh hướng mua kèm những sản phẩm có liên quan dù không có ý định trước.
Thời gian khách hàng bị giữ chân tăng 1% – doanh thu sẽ tăng 1,3% nên không lạ lẫm gì khi các nhà hoạch định chiến lược phải có những tính toán thật hợp lý để kéo dài việc mua hàng và kích thích mua sắm. Tất nhiên mỗi siêu thị lại có một cách khai thác tâm lý người tiêu dùng khác nhau để kích thích việc mua sắm. Chuỗi hệ thống siêu thị BigC thường đặt những khu nướng bánh và kệ hoa quả gần cửa ra vào để thu hút khách hàng qua mùi hương hấp dẫn; ngược lại Vinmart lại đặt chúng ở giữa và cuối hành trình đẩy xe hàng . Hơn ai hết, họ hiểu được tâm lý rằng “Trước khi bước vào siêu thị người mua hàng luôn có một danh sách định sẵn. Vậy tại sao không cố gắng mở rộng danh sách đó và bắt họ du lịch trong siêu thị nhiều hơn”. Chắc chắn không bao giờ bạn thấy món đồ mình muốn mua lại xuất hiện “chình ình” ngay khi vừa bước vào siêu thị.
Còn ngay ở khu vực nông thôn, nơi mà việc mua hàng còn thụ động, tất cả thông qua chủ cửa hàng việc trưng bày sản phẩm cũng được tính toán theo một cách riêng. Theo nghiên cứu của công ty Nielsen, 97% người mua hàng chỉ đứng bên ngoài cửa tiệm và 98% người mua hàng sẽ nói cho người bán lấy sản phẩm cần mua cho họ trong lúc đứng đợi ở bên ngoài. Đồng thời phần lớn người mua hàng sẽ rời cửa hàng trong 90s: 10s đầu đặt hàng + 60s đợi lấy sản phẩm + 20s cuối thanh toán tiền. Chính vì mọi chuyện diễn ra rất nhanh nên chỉ có khoảng 60s để nhà sản xuất và nhà bán lẻ tương tác với người mua hàng. Do đó, khác với siêu thị, những dòng sản phẩm bán chạy nhất, thu hút nhất thường được trưng bày ở vị trí tiện lợi bên ngoài của hàng. Đồng thời nhiều nhà sản xuất cũng đẩy mạnh đầu tư đặt hình ảnh của đơn vị mình trên biển hiệu cửa hàng hay trưng bày trên tủ kính.

Trưng bày sản phẩm cũng là một nghệ thuật

Con người luôn yêu cái đẹp nên tất cả những gì có tính thẩm mỹ cao đều mang lại sự hút lớn. Đối với một nhà phân phối bán lẻ, gian trưng bày hàng hóa chính là bộ mặt và là ấn tượng ban đầu của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng. Điều này là dễ hiểu khi so sánh với việc bạn thường cảm nhận về quyển sách bởi bìa ngoài của nó, thì khách hàng hoàn toàn có thể cảm nhận cửa hàng của bạn bởi những hình ảnh và cách thức trưng bày từ ngoài cửa.
Việc trưng bày sản phẩm thiếu tính thẩm mỹ có thể làm hạ thấp giá trị của nó. Một cửa hàng thời trang với những sản phẩm mang nhãn hiệu Gucci, Dolce & Gabbana; Burberry….bỗng trở nên kém sang chỉ vì toàn bộ áo được treo hết lên những cái mắc rẻ tiền và xếp san sát nhau chẳng khác gì cái sào phơi đồ ở nhà. Khách hàng luôn tự xác định giá trị và đẳng cấp của bản thân thông qua cái nhìn vào món hàng mình mua, chắc chắn không muốn nằm lẫn trong đám đông mà phải thực sự nổi bật, sang trọng
Nghệ thuật sắp xếp, trưng bày hàng hóa phụ thuộc rất lớn vào đối tượng khách hàng cũng như giá trị sản phẩm. Những cửa hàng muốn chuyền tải một hình ảnh sang trọng chỉ trưng bày một lượng hàng hóa hạn chế để cố gắng truyền tải thông điệp: “hàng của chúng tôi là hàng độc chứ không phải hàng phổ biến đại trà”. Ngược lại một số cửa hàng lại cố gắng sắp xếp nhiều hàng hóa như cửa hàng giày, cửa hàng tạp hóa, văn phòng phẩm… nhằm cho mọi người biết rằng họ có đầy đủ mặt hàng phổ biến, có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Nghệ thuật đôi khi cũng được định sẵn, ví dụ những cửa hàng thời trang thường bố trí thành 2 phần: “window display” và “sales floor”. Window display là không gian ở bên ngoài cửa hàng, có thể nhìn thấy qua cửa kính. Sale floor là khu vực khách hàng có thể thể hình dung tính ứng dụng và trải nghiệm thực tế khi cầm- nắm-so sánh giá cả, màu sắc với các sản phẩm khác và ra quyết định mua hàng. Còn đối với những cửa hàng kinh doanh đồ nội thất lại hướng đến trưng bày để giúp khách hàng hình dung rõ về công dụng. Một bộ bàn ghế sang trọng sẽ được đặt trong một khoảng không gian rộng rãi, có ánh sáng tự nhiên, đèn, cây xanh thay vì bị nhồi nhét trong một khu vực chật hẹp.
Màu sắc cũng là yếu tố thường được khai thác để kích thích việc mua sắm của khách hàng. Quay trở lại câu chuyện về trưng bày sản phẩm trong siêu thị, giữa một rừng nhãn hiệu chen chúc nhau trong vị trí đắc địa, thường những nơi có màu sắc bắt mắt thường hấp dẫn hơn. Tuy nhiên đôi khi để tránh điều này, các siêu thị thường sắp xếp sản phẩm theo những gam màu nóng, lạnh nhằm mang lại sự cân bằng. Trong một số trường hợp, một số sản phẩm có màu riêng biệt thường để chen giữa, ví dụ như màu trắng dùng làm dịu một khi toàn màu nóng.
Quản lý trưng bày hàng hóa tại các quầy kệ luôn là công việc chiếm nhiều thời gian của những nhà truyền thông. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa những nghiên cứu khoa học, tâm lý con người đầy khô khan với nghệ thuật tràn đầy tính thẩm mỹ, sáng tạo.

“Hiệu ứng chim mồi” và việc loại bỏ con chim mồi trong kinh doanh



Hiệu ứng chim mồi có nghĩa là bạn đưa ra một mồi nhử để lôi kéo khách hàng lựa chọn đúng món hàng mà bạn mong muốn.
Các chuyên gia bẫy chim thường huấn luyện một con chim thuần thục dùng để làm “mồi nhử” đồng loại. Khi những con chim khác thấy chú “chim mồi” bình an đậu một chỗ, ăn thức ăn nhử, thì theo tâm lý bầy đàn, chúng sẽ sà xuống và mắc bẫy.
Hiệu ứng chim mồi có nghĩa là bạn đưa ra một mồi nhử để lôi kéo khách hàng vào đúng lựa chọn mà bạn mong muốn mà khách vẫn vô cùng vui vẻ vì được tự lựa chọn, tự quyết định loại hàng mình muốn.
Trong lĩnh vực kinh doanh, chủ doanh nghiệp luôn cần những chiến lược, và luôn cần đổi mới kế hoạch để đạt được hiệu quả cao. Hiệu ứng chim mồi là một trong những chiến lược thường xuyên được các doanh nghiệp lựa chọn.
Nói thì có thể hơi khó hiểu, nếu bạn đọc tiếp câu chuyện sau bạn sẽ bỗng thấy ngạc nhiên thú vị “a hóa ra hôm qua mình mới bị dụ dỗ”.
1. Cho khách hàng được quyền lựa chọn
Một sáng cuối tuần đẹp trời bạn ra siêu thị mua loại bia mà bạn yêu thích. Hãy đừng ngạc nhiên khi trên kệ hàng bày 2 loại: một loại két 12 lon với giá 17 usd và loại két lớn 18 lon với giá 18 usd.
Đương nhiên như bao nhiêu người, bạn sẽ lấy ngay loại 18 lon và tự nhủ may mà mình nhìn kỹ, không là bị mua đắt khi lấy két nhỏ.
Chỉ với việc đặt một kiện hàng đắt hơn cùng loại, chỉ là khác kích cỡ, doanh nghiệp đã tăng gấp rưỡi lượng hàng bán được (12 lon so với 18 lon), và nếu để ý kỹ, chắc chắn loại 12 lon chỉ là “giá mồi” để bạn thấy loại 18 lon giá rẻ.
Tạo cho khách hàng được cơ hội lựa chọn, thì dù bỏ ra nhiều hơn, mua nhiều hơn tí khách hàng cũng luôn vui vẻ bởi mình đã được lựa chọn theo ý mình, được mua rẻ…
Đây cũng là chiêu luôn được hãng đồ ăn nhanh áp dụng. Khi bạn gọi một món đồ ăn nhanh, bao giờ nhân viên cũng để bạn lựa chọn giữa việc bỏ thêm 1 đồng để được ly nước lớn hơn rất nhiều hoặc không, và lựa chọn của khách hầu như đều chấp nhận bỏ thêm một đồng để được ly lớn, rẻ hơn.
2. Quy luật 100
Một biến thể khác của hiệu ứng chim mồi là cách áp dụng vào các chương trình giảm giá khuyến mại.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy một đặc điểm rất chung của hầu hết các chương trình khuyến mại:
-Nếu số tiền giảm giá cho sản phẩm khuyến mãi nhỏ hơn 100.000 đồng thì chính sách giảm giá sẽ được niêm yết theo tỷ lệ %
-Nếu số tiền khuyến mãi trên mỗi sản phẩm lớn hơn 100.000 đồng thì khi niêm yết chính sách khuyến mại sẽ dùng đơn vị số tiền được giảm giá.
Một ví dụ đơn giản:
-Nếu một gói bánh có giá 90.000 đồng, trong chương trình khuyến mãi giảm giá 30%, tương ứng giảm 27.000 đồng, thì rõ ràng bạn thấy con số giảm 30% sẽ ấn tượng hơn rất nhiều.Và trên kệ hàng, doanh nghiệp sẽ ghi rõ: giảm 30%.
-Còn với một chiếc điện thoại 8 triệu chẳng hạn, được giảm 20%, tương ứng giảm 1,6 triệu đồng, bạn sẽ ấn tượng với số tiền giảm 1,6 triệu đồng hơn rất nhiều so với con số 20% mà bạn chưa kịp nhân chia cộng trừ…
Hiệu ứng này đánh vào tâm lý người mua hàng, thường cái gì lớn và dễ nhìn sẽ dễ để lại ấn tượng hơn. Và các doanh nghiệp thường xuyên áp dụng chính quy luật này trong khuyến mãi.
“Giảm giá ngay 1 triệu đồng khi mua điện thoại…, khi mua máy…” là giai điệu chúng ta thường xuyên được nghe khi bước vào những siêu thị điện máy, điện thoại…
Tuy nhiên, nếu bạn bước vào dãy cửa hàng sách, cửa hàng thời trang, bao giờ con số ấn tượng cũng là “sale 30%- 50%” và hầu như không bắt gặp con số tiền cụ thể được giảm cho mỗi sản phẩm này.
3. Thêm một lựa chọn chim mồi
Một trường đại học tại Mỹ đã làm một nghiên cứu nho nhỏ: ông cho các sinh viên trong trường đăng ký đặt mua một giáo trình với bảng giá được lựa chọn bao gồm:
-Bản web: 59usd
-Bản in: 125usd
-Cả web và in: 125usd
Kết quả, không có sinh viên nào đăng ký chỉ mua bản in; 16 sinh viên chấp nhận bỏ 59usd để mua bản web và 84 sinh viên chịu bỏ 125usd chọn mua combo cả bản web cả bản in, không có sinh viên nào chọn phương án 2 chỉ mua bản in. Tính toán số tiền thu về 11.444usd
Thí nghiệm được thực hiện lại với một nhóm sinh viên khác, trong đó lựa chọn “chim mồi” được bỏ đi, trên bảng giá còn lại 2 lựa chọn”
-Bản web – 59usd
-Combo bản web và in – 125usd
Kết quả, có đến 68 sinh viên lựa chọn cách bỏ 59usd ra mua bản web và 32 sinh viên bỏ 125usd cho combo cả 2 loại. Tổng số tiền thu về 8.012usd.
Sử dụng “hiệu ứng chim mồi”, vị giáo sư đã thu được số tiền lớn hơn 30% so với việc loại bỏ “con chim mồi”. Khách hàng thường có xu hướng thay đổi quan điểm của mình khi có sự lựa chọn thứ 3 kém hấp dẫn xuất hiện.
Khi đó, khách hàng sẽ chỉ nghĩ rằng tại sao phải bỏ 125usd mua mỗi ấn phẩm bản in mà không lựa chọn combo cả 2 loại, và khi đó lựa chọn thứ nhất hầu như sẽ bị bỏ qua.
Còn khi “con chim mồi” không còn, khách hàng sẽ tập trung suy nghĩ việc lựa chọn giữa một trong 2 loại.
Hãng đồ ăn nhanh McDonal mỗi ngày đều bán thêm được rất nhiều khoai tây chiên. Chiêu thức của hãng rất đơn giản, luôn dạy nhân viên hỏi câu: “Anh chị có muốn dùng thêm khoai tây chiên không ạ?” khi khách đã order xong mọi thứ.
Bạn chắc đã từng đọc câu chuyện này: ở một khu phố nọ có 2 quán cháo, lượng khách đông như nhau, chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên như nhau. Thế nhưng, ông chủ quán cháo A ngày một ăn nên làm ra, doanh thu tăng trưởng mạnh còn ông chủ quán cháo B thì chỉ luôn đủ sống dù khách hàng đông không kém.
Tìm hiểu ra, sự khác biệt của 2 quán này chỉ bởi 1 câu mời chào của nhân viên.
Ở quán A, sau khi khách gọi cháo, nhân viên sẽ hỏi 1 câu: “Ông/bà dùng thêm 1 hay 2 quả trứng ạ?” và câu trả lời thường xuyên là 1 hoặc 2, rất ít khi có khách lựa chọn không dùng quả trứng nào.
Còn ở quán cháo B, sau khi khách gọi cháo, nhân viên cũng hỏi thêm 1 câu: “Ông/bà có dùng thêm trứng không ạ?” và câu trả lời vẫn sẽ khoảng 50% là có và 50% là không.
Như vậy, chỉ “mồi” ở một câu hỏi, mà quán cháo A hàng ngày bán thêm được rất nhiều trứng còn quán B chỉ rất ít. Điều này sẽ được áp dụng thêm cho các món phụ khác trong nhà hàng nên doanh thu quán A tăng mạnh.
Luôn tại cho khách hàng có sự lựa chọn – dù các sự lựa chọn đưa ra chỉ là “chim mồi” nhưng lại được khách hàng quan tâm do họ chính thức có sự lựa chọn và quyết định mua hàng theo ý mình.
4. Hiệu ứng của các con số bên trái
Hầu hết các người mua, nếu 1 sản phẩm không đủ “kiên nhẫn” đọc hết dãy giá dài ngoằng của sản phẩm kệ hàng có giá 49,999,900 đồng. Hơn thế nữa, số lẻ 99 cũng tạo cho người mua cảm giác mức giá ấy nhỏ hơn rất nhiều so với số làm chẵn.
Khi bạn xem một sản phẩm có giá 99.900 đồng, bạn lập tức nghĩ nó mới đầu 9, hơn 9 chục, còn kém một trăm ngàn. Tuy nhiên, cũng mặt hàng nó nếu gắn giá 100.000 bạn sẽ cảm giác nó đắt – đắt hơn rất nhiều.

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

CUỐI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN! BÀI HỌC ĐẮT GIÁ !!

Dù có làm việc gì ở đâu
thì cũng hãy nhớ những nguyên tắc quan trọng này:
Nguyên tắc 1: Công việc không nuôi người nhàn hạ, tập thể không nuôi những kẻ lười.
Nguyên tắc 2: Vào một đơn vị làm việc, đừng chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, trước tiên hãy học sao cho mình đáng tiền.
Nguyên tắc 3: Không có ngành nào là dễ kiếm tiền cả.
Nguyên tắc 4: Làm việc, không có nơi nào là thuận lợi cả, ức chế bực dọc là chuyện bình thường.
Nguyên tắc 5:
- Không kiếm được tiền, thì kiếm được kiến thức.
- Không kiếm được kiến thức thì kiếm được kinh nghiệm.
- Không kiếm được kinh nghiệm, thì kiếm được trải nghiệm.
- Khi kiếm được những thứ trên rồi, thì không sợ không kiếm được tiền.
Nguyên tắc 6: Chỉ khi thay đổi thái độ của bản thân, ta mới có thể thay đổi được chỗ đứng của mình trong xã hội.
Chỉ khi thay đổi thái độ làm việc của bản thân, ta mới có được vị trí cao trong nghề nghiệp.
Nguyên tắc 7: Nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy mơ hồ chỉ có một. Đó chính là trong những năm tháng mà đáng ra ta nên phấn đấu, nên làm việc chăm chỉ thì ta lại nghĩ quá nhiều, nhưng lại làm quá ít!
Hãy luôn nhớ: LÀM VIỆC BẰNG CẢ CÁI TÂM
Bỗng hiểu ra, không có ai vừa sinh ra đã có thể đảm nhiệm được việc quan trọng, mà bất cứ ai cũng đều bắt đầu từ những việc giản đơn, bình thường nhất. Hôm nay bạn dán lên mình một cái mác thế nào, có lẽ sẽ quyết định liệu ngày mai bạn có giữ được vai trò quan trọng hay không. Mức độ để tâm, lo lắng cho công việc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc, bất kỳ một công ty nào cũng đều rất cần những nhân viên tích cực, có trách nhiệm và chủ động trong công việc.
Những nhân viên xuất sắc không bao giờ là người bị động, đợi người khác sắp xếp công việc cho mình, mà họ luôn là người chủ động tìm hiểu việc mà mình nên làm, rồi dốc hết sức để hoàn thành tốt công việc ấy.
Mười loại người không bao giờ có được lương cao, cũng không đáng để bồi dưỡng:
1. Người muốn nghỉ cả thứ bảy và chủ nhật.
2. Người muốn đi làm lúc chín giờ sáng và tan làm lúc năm giờ chiều.
3. Người muốn sống dựa vào lương cơ bản.
4. Người không có chí tiến thủ.
5. Người không có tư duy chạy đua với thời gian.
6. Người làm việc gì cũng chậm chạp.
7. Người không có nhân phẩm.
8. Người không dám chịu trách nhiệm.
9. Người luôn cảm thấy sản phẩm của mình quá đắt.
10. Người luôn trách móc công ty.
Nhậm Chính Phi, người sáng lập ra công ty HuaWei đã từng nói: Có rất nhiều người hỏi tôi rằng, công ty có nghỉ cả thứ bảy và chủ nhật không? Có cần tăng ca không?
Khi ấy tôi chỉ cười mà không nói gì, khách sáo mời họ ra khỏi công ty. Đã muốn nhàn rỗi, sao còn đi làm? Ở nhà luôn có phải là được nghỉ cả tuần rồi không?
Là người, nếu không tranh thủ cố gắng khi còn trẻ, thế thì bạn có tuổi thanh xuân để làm gì?
Người ta đều nói tuổi trẻ chính là vốn, tôi muốn bổ sung thêm là, chỉ khi phấn đấu, vốn liếng của bạn mới có giá trị, chỉ khi liều mạng, tuổi trẻ của bạn mới đáng để bạn tự hào.
- Mở miệng ra đã nhắc đến khó khăn, sự trưởng thành đã cách bạn quá xa rồi.
- Mới bỏ ra chút công sức đã nghĩ đến việc báo đáp, cơ hội đã cách bạn quá xa rồi.
- Vừa bắt tay vào làm đã nghĩ đến lợi ích cá nhân, trái ngọt đã cách bạn quá xa rồi.
- Mới có chút khởi sắc đã đòi hỏi điều kiện, tương lai đã cách bạn quá xa rồi.
- Vừa mới hợp tác đã nghĩ cách sao cho mình không chịu thiệt, sự nghiệp đã cách bạn quá xa rồi.
Hy vọng bài viết này giúp ích được cho nhiều người!
ST

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

THƠ TỨ TUYỆT OMA KHAY AM( BA TƯ- THẾ KỶ 10)


THƠ TỨ TUYỆT OMA KHAYAM-( BA TƯ-THẾ KỶ X)

Bí mật cuộc đời tôi và anh không biết
Chỉ còn rượu và tình yêu bất diệt
Thế giới ra sao thì cũng thế mà thôi
Vì trước sau tôi và anh cũng chết

Khi cung điện bạc vàng bao cái hay cái dễ
Ngài đem cho thằng ngu thằng hại đời như thế
Và bắt kẻ ngay hiền phải nô lệ kiếm ăn
Thì công bằng của ngài tôi đếch cần Thượng đế

Người thông minh không ham tiền liêm khiết
Nhưng thông minh mà không tiền cũng mệt
Bông hồng giầu trong tủ kính đẹp sao
Bông lau nghèo bên ao đang chết lụi

Người hiểu biết có tài người ham mê khoa học
Phải đi vắt sữa dê...nhìn đời mà phát khóc
Làm thông minh là dại dột đời này
Cái đầu giỏi rẻ hơn cả củ hành ngu ngốc

Thật tội nghiệp những người than với khóc
Hay  ganh đua cứ bắt mình khó nhọc
Hãy hát đi khi chưa đứt dây đàn
Hãy uống đi chừng nào chưa vỡ cốc

Hỡi hiền triết gặp thằng ngu nói láo
Nếu đêm đen là bình minh- hắn bảo
Thì cũng hãy vờ ngu đừng cãi hắn làm gì
Vì bây giờ thông minh là ngu là phản đạo

Đừng lo lắng vì đời trôi nhanh thế
Hãy cứ yêu hãy cứ say vui vẻ
Trời chẳng cần ta tận tuỵ trung thành
Hãy trung thành với các cô gái trẻ

Thà cứ yêu chỉ một người nào đó
Còn hơn yêu chung chung mà đau khổ
Thà giúp bạn anh bằng lòng tốt của mình
Hơn nói giúp cả loài người này nọ

Nếu bên cạnh là một cô má đỏ
Nằm rót rượu cho tôi bên thảm cỏ
Thì tôi chỉ là ngu đáng khinh bỉ đáng cười
Nếu còn mơ một thiên đường nào đó

Như lạc đà còng lưng lê chân đi chật vật
Tôi còng lưng gánh đời đầy đau thương nước mắt
Ôi cái kiếp đáng buồn nhưng buồn nhất là khi
Anh bị thắng vào xe cho thằng ngu nó dắt

Trái tim ai chỉ quen mùi hạnh phúc
Sẽ không biết giá buồn đau khổ nhục
Từ xưa thế lâu rồi anh đâu dám trách em
Người tự do không thương người trong ngục

Cháy cháy rực lên tâm hồn anh là vậy
Anh sung sướng khi tim anh máu chảy
Em không đốt lòng em trên ngọn lửa tình
Sao hiểu được người vì em đã chảy.

Em sinh ra là bông hồng kiêu hãnh
Anh là hạt cát lang thang trong nóng lạnh
Nhưng anh đi giữa sa mạc lần nào
Cũng thấy em trước anh như ảo ảnh

Tôi chẳng cần lâu đài cao này nọ
Tôi cứ say cứ lang thang đâu đó
Anh tốt ư? Xin cứ việc thành thần
Tôi con cháu của A-Đam đau khổ

Hãy coi chừng các cô mắt long lanh má đỏ
Vì cái đẹp tình yêu hai ngọn nguồn đau khổ
Cái đẹp tình yêu không vĩnh cửu lâu bền
Chỉ đến bắt anh đau rồi bay đi theo gió

Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .