Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

TIỀN NẰM TRONG KÉT CỦA BẠN LÀ TÀI SẢN HAY TIÊU SẢN?

 Sự giàu có được tính bằng của cải, bằng tài sản chẳng hạn như nhà, đất, cửa tiệm, số vàng cây, cổ phiếu, tiền mặt mà bạn đang làm chủ, chứ không tính bằng những vật dụng tiêu dùng hằng ngày như chiếc xe hơi đời mới hay cái Plasma TV 100 inch. Tài sản được tính bằng “net worth”, giá trị thật, chứ không phải là những vật dụng xa hoa mà bạn đang phải nai lưng đi “cày” để trả góp. Nói rộng ra, tài sản là của cải có khả năng đem đến thêm cho chủ nhân của nó những lợi nhuận khác. “Tài” là “tiền”, “sản” là “sanh sản”, hay là “đẻ.” Vậy tài sản là của cải tự nó có khả năng đẻ ra tiền cho chủ nhân của nó, còn của cải mà không có khả năng sản sinh ra tiền cho chủ nhân của nó thì được gọi là “tiêu sản.”



Khi bạn đi làm, hay tự kinh doanh, bạn có được thu nhập và bạn chỉ có ba cách để giải quyết đồng tiền của bạn, một là xài, hai là để dành, và ba là đầu tư.

GIẢI PHÁP THỨ NHẤT: XÀI TIỀN NGAY HÔM NAY

Khi bạn xài đồng tiền của bạn ngay khi kiếm được, bạn không còn tiền phòng thân khi bất trắc, chẳng hạn như khi lốp xe bị nổ, hay là khi bạn ngã bệnh không đi làm (và không được hưởng lương) một vài hôm. Cho nên dù muốn hay không, bạn cũng phải để dành một số tiền nào đó để phòng khi “trái gió trở trời”. Và đồng tiền bạn xài ngày hôm nay đã bị mất, nó không còn giá trị để ra tiền cho bạn nữa, đó là “tiêu sản.”

GIẢI PHÁP THỨ HAI: ĐỂ DÀNH

Khi bạn không tiêu hết tiền mà để dành phòng khi bất trắc: tiền của bạn hoặc cứ giữ trong ví, hoặc nhét vào két. Nhưng rồi đến khi bạn lấy những tờ tiền đó ra để dùng thì bạn mới thấy rằng, đồng tiền của bạn đã mất giá, nó không còn nhiều giá trị như khi bạn cất đi nữa. Một tình huống quen thuộc, cách đây vài tháng, tôi trả $30 để đổ đầy bình xăng, vậy mà hôm nay tôi cũng trả $30 đồng tiền xăng, nhưng mà bình xăng của tôi chỉ có hơn ¾ một chút thôi. Bởi thế, tiền để trong két cũng được gọi là “tiêu sản.”

GIẢI PHÁP THỨ BA: ĐẦU TƯ

Có nhiều người cho rằng đầu tư có quá nhiều rủi ro, và cũng quá liều lĩnh. Nhưng thật sự không đầu tư mới là việc làm liều lĩnh, bởi vì bạn biết rõ rằng đồng tiền của bạn sẽ bị mất giá mà bạn không làm gì để ngăn cản việc đó xảy ra. Đầu tư thật sự là công việc nhiều rủi ro, cho nên bạn cần học hỏi và tìm hiểu nhằm kiếm biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư. Chúng ta sẽ tìm hiểu về rủi ro trong đầu tư vào dịp khác nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh với bạn rằng giá trị của đồng tiền bạn đang có ngày hôm nay, lúc nào cũng giá trị hơn là đồng tiền đó trong tương lai. Đầu tư kiếm lời để bạn có thể nâng cao số tiền bạn có ngày hôm nay bù vào sự lạm phát trong thị trường. Hơn thế nữa, bạn còn có thể kiếm nhiều hơn là sự lạm phát mà sinh lợi cho bạn đó chính là “tài sản.”

GIÁ TRỊ HIỆN TẠI VÀ GIÁ TRỊ TƯƠNG LAI

Tôi xin lấy một thí dụ điển hình: Tôi mua chứng chỉ tiền gởi (Certificate o Dép sít) với giá $1000 và ngân hàng hứa sẽ trả cho tôi 10% tiền lời hằng năm cho 5 năm.

Năm thứ

Tiền lời

Giá trị

0

0

1000 (vốn ban đầu)

1

100

1100 (=1.000+100)

2

110

1210 (=1.100+110)

3

121

1331 (=1.210+121)

4

133,10

1464,1 (=1.331+133,1)

5

146,41

1610,51 (=1464,1+146,41)

Cuối năm đầu tiên, tôi có thể kiếm được tiền lời là $100, cuối năm thứ 2 tôi kiếm được $110 tiền lời. $10 tiền lời nhiều hơn so với năm thứ nhất bởi vì 10% của $100 tiền lời của năm đầu tiên đã sanh lợi cho tôi thêm $10 nữa. Cứ thế mà đi lên. Công thức để tính tiền lời cho lãi kép là

Công thức này xin được giải thích như sau:

FV = Giá trị tương lai

PV = Giá trị hiện tại

i = Lãi suất hằng năm

n = thời hạn đầu tư

Thí dụ: Bạn sẽ thu được bao nhiều tiền nếu bạn mua $30,000 công trái với lãi suất là 9% cho thời hạn là 15 năm? Đáp án:

FV= $30000(1+0.09)^15 = $109,247.47

Tiền mà bạn sẽ thu về là $109,247.47.

Ngoài công thức ở trên ra, bạn còn có một công thức tính nhẩm khác để biết được bao nhiêu lâu thì tiền của bạn lên gấp đôi đó là Công thức 72: Lấy số 72 chia cho lãi suất cố định hằng năm của danh mục đầu tư thì bạn sẽ biết được sau bao lâu tiền của bạn tăng lên gấp đôi.

Ví dụ 1: bạn đầu tư $1 với lãi suất 10% thì sau 7.2 năm (72/10=7.2) bạn sẽ thu được $2

Ví dụ 2: lãi suất hàng năm của cổ phiếu bạn đầu tư là 12%. 72 chia cho 12 bằng 6. Vậy cứ 6 năm thì tiền của bạn lên gấp đôi. Vậy nếu như bạn đầu tư vào cổ phiếu X với số tiền $10,000 cho 30 năm, tiền của bạn được tăng gấp đôi 6 năm một lần, như vậy tiền của bạn sẽ là: $20,000... $40,000... $80,000... $160,000... và $320,000.

Một vài người tự hỏi tại sao họ không giàu có dù họ đã để dành tiền từ năm này qua năm khác. Câu trả lời mà những người giàu có đưa ra thật đơn giản: Hãy ngừng việc mua hàng hóa của các công ty mà hãy bắt đầu suy tính mua chính công ty đó. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy gần 1/3 thu nhập của những người giàu đều được dùng để đầu tư. Đó không phải là kết quả của việc trở nên giàu có mà đó là lý do họ giàu có.

Việc cày cuốc làm thêm quanh năm suốt tháng để kiếm tiền không phải là cách để làm giàu. Làm được nhiều tiền rồi mua xe, mua nhà cũng không phải là cách để làm giàu. Theo cá nhân tôi, làm giàu là làm sao cho của cải của bạn có thể tự sản sinh ra tiền để nuôi bạn, phục vụ cho cuộc sống vật chất cho gia đình, cộng đồng, và đất nước. 

MÔ HÌNH ĐỒNG HỒ ĐẦU TƯ: CÔNG CỤ PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG HỮU HIỆU

 Được công bố lần đầu tiên tại London vào năm 1937, đồng hồ đầu tư (Investment Clock ) giúp cho các nhà đầu tư nắm được các chỉ báo về xu thế vận động thị trường tài chính, bất động sản cũng như thị trường vốn, dựa trên chu kỳ phát triển lặp đi lặp lại như vòng quay của kim đồng hồ, nhằm đưa ra phân tích về những xu thế vận động của thị trường.



Theo mô hình này, sự phát triển của thị trường vốn, bất động sản hay thị trường tài chính được mô phỏng giống như là chuyển động của một chiếc kim đồng hồ. Theo đó, 12 tiếng sẽ được phân chia thành bốn giai đoạn, bao gồm:

  1. Giai đoạn phát triển bùng nổ sẽ tương ứng với thời gian 9h-12h khi kim chỉ đồng hồ leo lên đến đỉnh.
  2. Giai đoạn giảm tốc tương ứng với khoảng thời gian 12h-3h khi kim đồng hồ bắt đầu trượt xuống.
  3. Giai đoạn suy thoái tương ứng với khoảng thời gian 3h-6h.
  4. Giai đoạn qua đáy và bắt đầu phục hồi tương ứng với 6h-9h.

GIAI ĐOẠN BÙNG NỔ: (9H - 12H)

Giai đoạn này được tính trong khoảng thừ 9h-12h. Biểu hiện của nó thường là nền kinh tế tăng trưởng rất nóng, lạm phát ở mức trung bình nhưng có xu hướng đi lên. Nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đều tăng. Lãi suất ngân hàng có tăng nhưng chưa đến đỉnh. Giá bất động sản tăng cao. Thị trường chứng khoán tăng rất cao và có xu hướng tạo đỉnh. Lúc này hoạt động đầu tư rất dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông.

GIAI ĐOẠN GIẢM TỐC: (12H - 3H)

Giai đoạn này được nằm xác định nằm trong khoảng 12h-3h. Lúc này lãi suất bắt đầu tăng lên, dòng tiền chuyển dần ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro để chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn. Giá cả hàng hóa bắt đầu giảm xuống. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm. Nhà nước bắt đầu đặt ra các chính sách thắt chặt tiền tệ. Thị trường chứng khoán và bất động sản bắt đầu tụt dốc. Tính thanh khoản giảm.

GIAI ĐOẠN SUY THOÁI: (3H - 6H)

Giai đoạn này bắt đầu từ 3h đến 6h. Lúc này lạm phát và lãi suất tăng mạnh. Nhà nước thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm dự trữ ngoại tệ. Thị trường chứng khoán và bất động sản xuống thấp nhất. Giá hàng hóa giảm mạnh. Lợi nhuận các doanh nghiệp giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản.

GIAI ĐOẠN KHÔI PHỤC: (6H - 9H)

Trong giai đoạn này, nền kinh tế đã vượt qua đáy khủng hoảng. Lãi suất ngân hàng giảm dần, nền kinh tế dần hồi phục. Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm dần. Thị trường chứng khoán tăng trở lại. Giá hàng hóa, bất động sản phục hồi. Lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện.

Khi nắm được và hiểu rõ đồng hồ đầu tư, nhà đầu tư có thể  nhận diện đúng xu thế vận động của thị trường hiện tại, thậm chí đưa ra những dự đoán tương lai. Từ đó, họ có những quyết định đúng đắn về đầu tư của mình vào đúng thời điểm cần thiết nhất.

Ví dụ, vào thời điểm đỉnh 12h, là thời kỳ bùng nổ của nền kinh tế với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về bất động sản khiến giá nhà đất tăng vụt. Song song với đó là việc lãi suất tăng do nhu cầu về tiền của các quỹ đầu tư tăng lên đáng kể. Lãi suất tăng, nhiều công ty làm ăn thua lỗ và không trả được nợ. Và khi giá nhà đất tăng, tiền đổ vào bất động sản,cố phiếu lại đi xuống. Khi đó, các nhà đầu tư khôn ngoan là số ít người biết được thời điểm này để hạn chế và ngừng các hoạt động đầu tư dài hạn, trong khi rất nhiều người khác lại đang lao vào.

Vào thời điểm suy thoái nhất 6h, khi suy thoái đã lan rộng và tác động lớn đến nền kinh tế, nhà đầu tư lo lắng, không đủ khả năng trả nợ, nhu cầu vay tiền giảm và lãi suất lại quay đầu đi xuống. Rất nhiều doanh nghiệp khó khăn và phá sản, rời bỏ thị trường, thì các nhà đầu tư khôn ngoan đã coi đây là cơ hội chín muồi để đẩy mạnh việc mua bán và thôn tính doanh nghiệp. Đây cũng là thời điểm vàng để đầu tư cho chứng khoán hay cho bất động sản bằng vốn nhàn rỗi.

LỜI KẾT

Dù được gọi là mô hình đồng hồ đầu tư, nhưng để xem được nó, các nhà đầu tư cần xem xét và nghiên cứu vô số các thông tin kinh tế khác nhau. Để biết được chính xác thị trường đang ở thời điểm nào càng không hề đơn giản. Các nhà đầu tư cần tích luỹ trải nghiệm, cũng như phải đạt độ nhạy cảm nhất định mới có thể cảm nhận được thời điểm sát nhất.



BÀI HỌC TỪ CÁC NGÂN HÀNG CHÂU Á

 Những cơn sốt nhà đất và cổ phiếu đã gây ra những ảnh hưởng lớn trong các cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Tuy nhiên phải nói rằng nếu không có những số tiền khổng lồ từ nguồn đầu tư và của các ngân hàng đổ vào châu Á thì trị giá bất động sản và cổ phiếu đã không thể tăng vọt như thế được.

TỪ CHO VAY NHẢY QUA ĐẦU TƯ

Vào năm 2008, tại Singapore, như thường lệ tháng 8 là tháng mà các công ty loan báo kết quả hoạt động trong sáu tháng đầu năm. Tuy đã chuẩn bị tinh thần nhưng vào năm đó, giới quan sát cũng đã không khỏi bàng hoàng trước những con số âm quá lớn so với dự đoán. Mức lãi của tất cả các ngân hàng lớn ở Singapore đã sụt khoảng 50% so với sáu tháng đầu năm 2007 vì phải khấu trừ những khoản lỗ nặng nề từ những món nợ cho vay khó đòi. Đối với các nước khác trong vùng thì tình hình còn bi đát hơn. Ngày 26/8 Ngân hàng Maybank lớn nhất của Malaysia công bố mức lãi sáu tháng đầu năm 1998 giảm 90%. Tại Indonesia và Thái Lan thì không còn nói chuyện lãi nhiều ít mà vấn đề cấp bách là làm sao để sống còn, vì một số ngân hàng bị lỗ lã nặng nề phải đóng cửa và một số khác buộc phải sáp nhập. Những lỗi lầm của các ngân hàng trong vùng bắt đầu từ đâu, và chúng ta có thể học được gì qua những bài học của họ?

Theo ý tôi thì lỗi đầu tiên là việc họ đã đi quá xa cái chức năng chính yếu của mình mà lần bước sang những lĩnh vực khác. Đã là một ngân hàng thương mại thì nhiệm vụ chính là nhận tiền ký thác và dùng tiền ấy cho vay. Tuy nhiên, trong thời kỳ các con rồng châu Á cất cánh vừa qua, có thể nói rằng nhiều ngân hàng đã từ lĩnh vực cho vay bước sang... đầu tư.

Trong việc cho vay, ngân hàng đòi hỏi món tiền nợ phải được hoàn trả sau một khoảng thời gian, kèm theo một số tiền lãi đã quy định. Người đi vay nếu có thành công lớn thì ngân hàng cũng không đòi hỏi thêm một đồng tiền lãi nào cả. Vì tiền cho vay là tiềm tạm lấy của các người ký thác ra dùng nên khi cho vay, ngân hàng phải hết sức cẩn thận, bắt buộc phải có thế chấp đầy đủ để nếu chẳng may công trình thất bại thì còn thoát được bằng cách bán các vật thế chấp để lấy lại vốn. Không có thế chấp thì ít ra ngân hàng cũng đòi hỏi phải có các bảo đảm cá nhân...

Việc đầu tư trái lại mang tính mạo hiểm, thường ít có điều kiện ràng buộc và thời gian ứng tiền cũng không xác định nhưng ngược lại thì người đầu tư có cơ hội được chia lãi nhiều hơn nếu công trình ấy trúng lớn. Việc đầu tư mang nhiều rủi ro hơn và do đó một ngân hàng thương mại thuần tuý không thể nào đem tiền ký thác của người khác ra để "đánh bạc" được. Tại các nước trong vùng, trong giai đoạn đầu khi các ngân hàng vừa thành hình thì việc cho vay hầu như hoàn toàn được đặt trên căn bản thế chấp. Hễ có của thế chấp thì ngân hàng mới cho vay và vai trò của ngân hàng lúc ấy tương đối đơn giản vì chỉ cần quan tâm đến các vật thế chấp là đủ. Khi có nhiều ngân hàng khác ra đời thì việc cạnh tranh trở nên gắt gao hơn. Người đi vay không ai muốn nộp nhiều thế chấp hoặc bảo đảm, nên nếu có mọt ngân hàng nào khác tỏ vẻ "nới tay" hơn thì họ sẽ đổ xô đến vay. Ngân hàng nào quá cứng rắn sẽ mất dần khách hàng khiến tiền ký thác bị ứ đọng. Càng muốn lãi nhiều, ngân hàng càng bớt khắt khe hơn trong việc cho vay. Từ chỗ cho vay trên căn bản "bảo thủ" với đầy đủ thế chấp, nhiều ngân hàng đã trở nên dễ dãi và tung tiền vào những dự án đầy rủi ro và hoạt động như những nhà đầu tư.

LÀM NGÂN HÀNG THỜI NAY KHÔNG DỄ

Sự cạnh tranh đã khiến ngân hàng bớt đặt nặng vào thế chấp mà chú trọng nhiều hơn đến khả năng trả nợ của các dự án cho vay. Nghệ thuật cho vay từ đó trở nên phức tạp hơn. Làm ngân hàng thời nay không còn dễ dàng như xưa mà đòi hỏi phải có kiến thức và kinh nghiệm rộng lớn. Điều này đưa đến nhược điểm thứ hai là vấn đề thiếu cán bộ chuyên môn trong ngành ngân hàng.

Tại các nước Âu Mỹ, ngân hàng đã phát triển hơn trăm năm nay nên sự đào tạo cán bộ và việc thăng quan tiến chức trong ngành đã tiến hành rất chính quy chứ không theo lối "mỳ ăn liền" như ở các nước châu Á. Bước vào một ngân hàng ở châu Âu chẳng hạn, ta có thể tìm thấy những nhà kinh doanh ngân hàng lăn lộn trong nghề đến bạc đầu mà cũng vẫn chỉ là một chuyên viên tín dụng. Trong khi đó tại các nước trong vùng thì lực lượng chuyên viên ngân hàng còn rất trẻ. Khi làm Tổng giám đốc của Singapore Finance, mỗi năm thường cho tuyển hơn một chục sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào làm việc, tôi để ý rằng đối với lứa trẻ, tuy chỉ vừa ra trường với bằng cử nhân và làm việc chưa có mấy kinh nghiệm mà trung bình cứ sau hai năm, nếu không cho họ một chức vụ gì thật kêu và có gắn chữ "giám đốc" (như phó giám đốc, phụ tá giám đốc gì đó) thì y như là họ sẽ từ chức để chạy qua một ngân hàng khác.

Hầu hết những vị giám đốc quá trẻ này đều chưa có "kinh nghiệm chiến trường" nhưng đã được giao cho những số tiền quá lớn, cáng đáng những trách nhiệm vượt sức mình. Ngoài kiến thức học hỏi từ nhà trường và sách vở, một nhà ngân hàng chuyên nghiệp cần có nhiều kinh nghiệm mới quán xuyến được công việc để tránh không vung tiền vào những khoản cho vay xấu, và để có thể lèo lái ngân hàng mình qua cơn khủng hoảng. Thực trạng là thế, nhưng biết làm sao được khi kinh tế phát triển quá nhanh mà người có khả năng thì thiếu!

Một nhược điểm nữa của nhiều ngân hàng trong vùng là đã bừa bãi đổ tiền cho vay vào những công ty liên hệ. Hầu như tập đoàn lớn nào cũng muốn có trong tay một ngân hàng hay một công ty tài chính. Đối với họ, ngân hàng là công cụ để hút vốn chuyển về tài trợ cho các công ty mình, giúp tập đoàn tự phát triển mà không cần tìm nguồn tài trợ bên ngoài. Trong thập niên 1960, khi luật lệ ngân hàng chưa phân mình, rất nhiều tập đoàn tư nhân trong vùng đã thành lập ngân hàng với mục đích này. Họ lợi dụng giai đoạn "nước đục" để "thả câu" cho những công ty của bà con bạn bè vay quá cẩu thả, làm nhiều ngân hàng sụp đổ khiến bao người ký thác mất tiền.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng này, chính phủ các nước trong vùng đã phải cải tổ đạo luật ngân hàng. Trong tất cả các nước, có lẽ Singapore là đã áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất để tạo nên một bức tường hoàn toàn cách biệt giữa ngân hàng và các công ty cùng tập đoàn. Luật Ngân hàng và Công ty Tài chính của Singapore nêu rõ những tiêu chuẩn rất gắt gao về mặt quản lý. Chẳng hạn như khi muốn cho một công ty liên hệ vay một số tiền, ngân hàng phải trình lên Ngân hàng Trung ương hoặc Cơ quan quản trị thị trường chứng khoán để xin phép và phải trả lời hàng tá các câu hỏi hóc búa đặt ra. Tất cả những món nợ cho thân nhân của ban quản trị, ban giám đốc và nhân viên vay cũng đều phải được kê khai rõ ràng. Những quy định này gắt gao đến nỗi các công ty trong tập đoàn thường rất ngại đi vay từ các ngân hàng bà con mà đành phải tìm các nguồn vay khác.

Nói chung, nghề cho vay không phải là dễ dàng vì có quá nhiều rủi ro. Lấy một thí dụ tiêu biểu, ngân hàng nhận tiền ký thác với lãi suất 6%/năm và cho vay được 8%/năm. Trừ đi 1% vào các chi phí, văn phòng, lương... thì còn được lãi ròng 1%.năm. Như thế có nghĩa rằng nếu cứ cho 100 công ty vay mỗi nơi 1 triệu USD thì mỗi năm ngân hàng sẽ lãi ròng 1 triệu USD (lãi 1% = $10.000 x 100 công ty). Nếu trong số 100 khách hàng này mà có một công ty "xù" thì năm ấy ngân hàng sẽ "huề vốn". Và nếu có hai công ty vỡ nợ thì đành... "mất cả chì lẫn chài".

Trở lại với cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, trong những năm trước đây chính ngân hàng đã đổ quá nhiều tiền vào thị trường và giờ đây, lại hoảng hốt rút tiền trước nhất. Nhà ngân hàng thường được mô tả là "người cho ta mượn chiếc dù khi trời nắng, nhưng khi trời vừa đổ mưa thì đã vội đòi ngay chiếc dù ấy lại". Báo chí Singapore trong những ngày qua đã liên tục đăng tin hết ngân hàng này đến ngân hàng khác đã giảm bớt khoản tiền cho vay trong vùng và ca tụng đó là dấu hiệu tốt của các ngân hàng nước mình! Than ôi, thì cũng tốt thật đấy nhưng càng rút tiền chừng nào thì ngân hàng càng "bóp chết" các công ty nhanh chừng ấy mà thôi!

Và một khi rút lại được tiền nợ, những ngân hàng này đã chạy béng đi mất không còn dám tiếp tục cho vay, mở chứng từ để khách hàng có thể mua bán làm ăn. Việc các ngân hàng tranh nhau... "đòi lại dù" do đó cũng là một yếu tố khiến cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.




NỢ TỐT VÀ NỢ XẤU

 Trong bài viết này, nợ xấu không mang ý nghĩa món nợ không thu hồi được theo như cách hiểu phổ thông trong lĩnh vực tài chính nói chung. Nợ xấu mà chúng tôi đề cập đến ở đây là những món nợ có ảnh hưởng không tốt đến đời sống tài chính cá nhân của bạn, giúp bạn đưa ra những quyết định hiệu quả trong cuộc sống.




Ngày nay, việc nợ đối với nhiều người chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống. Là phương thức thanh toán cho mọi thứ từ các mặt hàng lớn như nhà và xe hơi đến mua sắm hàng ngày như xăng và kẹo cao su. Định nghĩa cơ bản nhất về nợ, đó đơn giản chỉ là khoản tiền được vay từ một bên khác. Theo định nghĩa này thì nợ có vẻ trung hòa chẳng xấu cũng chẳng tốt. Xem xét kĩ hơn vấn đề này sẽ cho ta cái nhìn sâu sắc về cả hai mặt của tình trạng nợ.

NỢ TỐT

Không ví dụ nào cho câu ngạn ngữ cổ "có chi thì mới có thu" chuẩn hơn nợ tốt. Nợ tốt giúp bạn tạo ra thu nhập và tăng giá trị thuần. Bốn ví dụ đáng quan tâm của nợ tốt đó là:

1. Giáo dục đại học hoặc đào tạo nghề

Từ lâu người ta đã coi giáo dục đồng nghĩa với thành công. Nhìn chung, một cá nhân có nền tảng giáo dục càng cao thì tiềm năng thu nhập càng lớn. Giáo dục cũng tỷ lệ thuận với cơ hội tìm kiếm việc làm. Những người được giáo dục tốt hơn có khả năng được thuê vào những vị trí với mức lương cao hơn, và thường không mất nhiều thời gian để kiếm một cơ hội mới khi cần. Đầu tư vào một tấm bằng đại học hoặc nghề là khoản đầu tư có thể thu hồi chỉ trong vòng vài năm sau khi người ta ra trường, đi làm.

2. Khởi nghiệp

Kiếm tiền là mục đích quan trọng nhất của việc khởi nghiệp. Làm doanh nhân không những đồng nghĩa với việc kiếm được tiền mà còn giúp bạn tự làm chủ của bản thân chứ không phải đi làm thuê cho người khác. Điều này cũng khiến cho bạn chủ động hơn trong thu nhập của mình - bạn càng sẵn lòng làm việc chăm chỉ đến đâu thì cơ hội kiếm tiền của bạn càng lớn. Và cộng thêm một chút may mắn thì tham vọng và đam mê của bạn sẽ giữ cho doanh nghiệp của bạn hoạt động hiệu quả, có lãi. Rồi biết đâu đó, một đợt IPO (đưa công ty của bạn lên sàn chứng khoán) sẽ đem lại của cải gấp nhiều lần số vốn bạn đã bỏ ra. 

3. Bất động sản

Có rất nhiều cách để kiếm tiền từ bất động sản. Trên lĩnh vực nhà ở, chiến lược đơn giản nhất thường là mua một ngôi nhà, sống ở đó vài chục năm rồi bán nó đi thu lãi. Cũng có thể kinh doanh nhà ở tạo ra thu nhập bằng cách nhận ở nội trú hoặc cho thuê toàn bộ căn hộ. Mua qua bán lai bất động sản cũng có thể là một nguồn doanh thu và lợi nhuận tuyệt vời cho các nhà đầu tư.

4. Đầu tư

Đầu tư ngắn hạn cho ta cơ hội tạo ra thu nhập, còn đầu tư dài hạn có thể là cơ hội làm giàu tốt nhất cho nhiều người. Sự đa dạng các loại hình đầu tư, truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu cho đến các loại hình mới như hàng hóa, hợp đồng tương lai và các kim loại quý, vv.. cho ta một loạt các lựa chọn phù hợp với từng nhu cầu và độ chịu rủi ro.

5. Không bảo đảm

Trong khi nợ tốt có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời thì điều quan trọng là bạn cần tỉnh táo rằng ngay cả những ý tưởng tốt nhất không phải lúc nào việc thực hiện cũng như dự tính. Chúng ta hãy cùng thực hiện một cái nhìn trái chiều với bốn hạng mục "nợ tốt" này để chốt lại quan điểm.

Nhược điểm của việc học lên cao

Bản thân việc học không phải là một tấm vé bảo đảm giàu có và thành công. Ngành học phải được lựa chọn cẩn thận, vì không phải tất cả các loại bằng cấp và chứng chỉ đều cho cơ hội như nhau trên thị trường. Điều kiện kinh tế khó khăn cũng cần được đưa vào xem xét, bởi sẽ khó kiếm những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn hơn trong thời kì suy thoái kinh tế. Những người không chịu chuyển sang các lĩnh vực phù hợp với kĩ năng của mình hoặc không sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp và các công việc cấp thấp thì bằng cấp của họ sẽ không có khả năng đem lại lợi nhuận như kì vọng.

Các rủi ro về khởi nghiệp

Giống như bất kì công việc kinh doanh mạo hiểm nào, các doanh nghiệp nhỏ chịu áp lực rủi ro thất bại lớn. Làm việc chăm chỉ, kế hoạch kinh doanh tốt cùng với một chút may mắn, tất cả đều cần thiết để giúp bạn thực hiện ước mơ tự làm chủ của mình.

Cái bẫy bất động sản

Chỉ một vài năm trước đây thôi thì mua bất động sản vẫn được coi là trò kinh doanh chắc thắng đối với nhiều người, bởi trong các khu dân cư tốt thì giá nhà đất thường tăng liên tục. Biến động đi xuống trong giá bất động sản toàn cầu đã dạy cho các chủ bất động sản một bài học rằng không có gì đảm bảo định giá sẽ tăng lên. Mặt khác, thuế bất động sản và các chi phí bảo trì thì kéo dài mãi.

Đầu tư

Đầu tư có thể là một quá trình phức tạp và biến động. Có thể kiếm được khoản lợi nhuận lớn thì họ cũng có thể bị lỗ. Tự mình đầu tư không phải là con đường đúng đắn cho tất cả các nhà đầu tư, và kể cả thuê dịch vụ hỗ trợ cũng không đảm bảo kết quả tích cực.

NỢ XẤU

Trong khi ngay cả "nợ tốt" cũng có nhược điểm của nó thì các khoản nợ xấu chắn chắn là không tốt rồi. Các khoản thuộc thể loại này bao gồm tất cả các khoản nợ dùng để đầu tư vào tài sản mất giá. Nói cách khác, "nếu nó không tăng giá hoặc tạo ra nguồn thu, bạn không nên vay mượn để mua nó." Một số mặt hàng đặc biệt đáng chú ý liên quan đến nợ xấu bao gồm:

1. Xe hơi

Phương tiện đi lại là mặt hàng đắt tiền. Đặc biệt, Xe hơi mới tốn rất nhiều chi phí. Khi mà bạn chỉ cần một phương tiện để đi làm và chạy việc vặt hằng ngày thì việc chịu lãi để mua một chiếc ô tô mới cứng thực sự là lãng phí tiền bạc. Khi bạn vừa lái xe ra khỏi showroom thì giá trị của nó đã giảm rồi.

Nếu có thể, bạn hãy đặt cái tôi của mình sang một bên và mua một chiếc second hand. Còn không, hãy mua chiếc xe đáng tin cậy và rẻ nhất mà bạn có thể chi trả được đồng thời bạn cũng nên tất toán nó nhanh nhất có thể. Với những người tiêu quá khả năng của họ, thì khi mua một chiếc xe mới nên kiếm nguồn vay lãi suất thấp hoặc 0 lãi suất. Khi bạn tiêu một khoản tiền lớn cho những đồ mất giá theo thời gian và cuối cùng là đồ vô giá trị thì ít nhất cũng đừng để phải trả lãi cho nó.

2. Quần áo, đồ tiêu dùng, hàng hoá và dịch vụ khác

Người ta thường nói rằng quần áo là mặt hàng không đáng một nửa giá bán của nó. Hãy thử đến thăm quan một cửa hàng quần áo second hand, bạn sẽ thấy nếu tính giá bán của nó bằng phân nửa thì vẫn còn quá là hào phóng. Ngoài quần áo, nếu bạn cà thẻ tín dụng mỗi khi trả tiền cho các chuyến nghỉ mát, thức ăn nhanh, mua hàng hóa trong siêu thị, vv.. thì từng xu tiền lãi cho các mặt hàng này đáng lẽ ra nên được chi tiêu vào những thứ khác tốt hơn.

3. Thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng là một trong những hình thức nợ xấu tệ nhất. Các mức lãi suất thường được tính cao hơn đáng kể so với lãi suất cho vay tiêu dùng và tiến độ thanh toán cũng được sắp xếp nhằm tối đa hóa chi phí của người tiêu dùng. Để lại những khoản nợ chưa thanh toán trong thẻ tín dụng là một ý tưởng tồi.

VÙNG XÁM

Giữa nợ tốt và nợ xấu là một vùng xám gây nhiều tranh cãi. Ba chủ đề nóng trong cuộc tranh luận này bao gồm:

1. Củng cố các khoản vay

Về lý thuyết, khi bạn đang mắc nợ thì việc đi vay với lãi suất thấp hơn để chi trả cho những khoản nợ có lãi suất cao là một ý tưởng tuyệt vời. Trong khi trên thực tế, sử dụng phương pháp này để gỡ gạc tiền thực chất lại khiến người ta ném tiền vào một khoản nợ mới.

2. Vay để đầu tư

Sử dụng đòn bẩy tài chính, hay vay tiền với lãi suất thấp và đầu tư với tỷ lệ lợi nhuận cao hơn (khả thi nhất là sử dụng tài khoản ký quỹ), đối với các nhà đầu tư có thể nghe chừng như là một cách hay ho để thu được kết quả tốt hơn dự kiến. Thật không may,  nó cũng đem đến một cơ số các rủi ro cho những người thiếu kinh nghiệm, trong khi đó bạn lại vẫn phải trả một khoản kha khá cho các khoản mô giới cho dù được lợi hay không

3. Chương trình thưởng thẻ tín dụng

Có một số chương trình thưởng thẻ tín dụng rất lớn cho người tiêu dùng. Càng dùng nhiều thẻ tín dụng, người mua có thể được tặng vé máy bay miễn phí, tour du lịch miễn phí, thưởng tiền mặt và nhiều lợi ích khác. Chiêu trò ở đây là khoản tiền lãi tính trên khoản nợ thẻ tín dụng thậm chí còn lớn hơn giá trị giải thưởng mà bạn nhận được.

KẾT LUẬN

Chắc chắn có tranh cãi cho rằng không có khoản nợ nào là nợ tốt cả. Thật không may là rất ít người có đủ khả năng để chi trả cho mọi thứ họ mua. Do đó, phương châm "mọi thứ ở mức độ vừa phải" là suy nghĩ đúng đắn khi nói tới chuyện vay nợ. Hãy nhớ rằng, ngay cả nợ "tốt" cũng tiềm ẩn mặt xấu.

saga.vn


VAI TRÒ ĐIỀU TIẾT KINH TẾ VĨ MÔ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

 Thế kỷ XX đã chứng kiến cuộc đua tranh giữa hai hệ thống kinh tế, nói đúng hơn là hai giải pháp vĩ mô đối lập nhau: Nền Kinh tế Chỉ huy (Kinh tế tập trung/Kinh tế kế hoạch) dựa trên sự kiểm soát tập trung của Nhà nước và nền Kinh tế Thị trường dựa vào thành phần kinh tế tư nhân. Và đến cuối thế kỷ XX thì câu trả lời cho cuộc chạy đua nói trên mới trở nên rõ ràng: mô hình nền kinh tế tập trung đã thất bại trong việc duy trì tăng trưởng, trong việc tạo ra sự phồn vinh và thậm chí cả trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường lại thành công ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta, mô hình kinh tế thị trường vẫn gắn với sự điều tiết của Nhà nước.





CÓ HAY KHÔNG THỂ LOẠI BỎ HOÀN TOÀN VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG?

Theo như các lý thuyết về nền kinh tế thị trường thì quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị… là những thứ mà Nhà nước phải tôn trọng. Như vậy nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh có khả năng tự cân bằng cung - cầu; và thị trường lao động, vốn hay đất đai chỉ vận hành đúng theo quy luật giá trị khi nó loại bỏ sự can thiệp của Nhà nước. Lý luận trên đây được hầu hết các sách giáo khoa kinh tế học do các tác giả theo quan điểm chính thống tân cổ điển soạn, và được cho là những điều hiển nhiên, không ai chối cãi. Song, phải chăng vì thế mà nó hoàn toàn đúng đắn? Lịch sử của hơn hai thế kỷ chủ nghĩa tư bản thì cho thấy chưa hề có một nền kinh tế thị trường thuần túy, tức không chịu sự điều tiết, dưới hình thái này hay hình thái khác, của Nhà nước.

Nhìn lại thị trường tài chính và tín dụng hiện nay trên thế giới mà đặc trưng là thị trường tài chính và tín dụng tại Mỹ sẽ cho thấy chính các hiệp hội, chủ ngân hàng và công ty tài chính đang hối thúc nhà nước Hoa Kỳ đưa ra những quy tắc quản lý thị trường chặt chẽ hơn, nhằm khôi phục lòng tin của người mua bán và tránh sự sụp đổ của toàn bộ ngành ngân hàng và tài chính.

Lịch sử đã chứng minh rằng, các nền kinh tế thị trường thành công nhất đều không thể phát triển một cách tự phát nếu thiếu sự can thiệp và hỗ trợ của Nhà nước. Các nền kinh tế thị trường nguyên thuỷ dựa trên cơ sở sản xuất và trao đổi giản đờn có thể hoạt động một cách có hiệu quả mà không cần sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, vì nền kinh tế tăng trưởng dưới tác động bên ngoài ngày một phức tạp nên sự can thiệp của Nhà nước xuất hiện như một tất yếu cho sự hoạt động có hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Trong các nền kinh tế thị trường đã phát triển, Nhà nước có 3 chức năng kinh tế rõ rệt là: can thiệpquản lý và điều hoà phúc lợi. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, song sự điều tiết của Nhà nước vẫn là một trong các hoạt động của nền kinh tế thị trường. Theo đó, thị trường tự do với đúng nghĩa của nó không thể tồn tại, ngoại trừ trong các lý thuyết kinh tế.

Tuy nhiên, khi khẳng định sự cần thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước thì cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng tời cái được - cái mất của sự can thiệp ấy. Cách giải quyết không phải là bỏ mặc thị trường, mà phải là nâng cao hiệu quả của sự can thiệp đó. Nhà nước có một vai trò chính đáng và thường xuyên trong các nền kinh tế hiện đại. Vai trò đó của Nhà nước đặc biệt thể hiện rõ rệt ở việc xác định "các quy tắc trò chơi" để can thiệp vào những khu vực cần có sự lựa chọn, thể hiện nhưng khuyết tật của thị trường, để đảm bảo tính chỉnh thể của nền kinh tế và để cung cấp những dịch vụ phúc lợi.

Nhà nước trong các nền kinh tế thị trường đóng một vai trò rất lớn trong việc tạo ra các điều kiện kinh tế để thị trường tư nhân có thể phát huy hết hiệu quả hoạt động của mình. Một trong các vai trò đó là tạo ra một thị trường tiền tệ ổn định, được chấp nhận rộng rãi, có khả năng loại bỏ hệ thống giao dịch cồng kềnh, kém hiệu quả và đồng thời có khả năng duy trì giá trị tiền tệ thông qua các chính sách hạn chế lạm phát.

Trong lịch sử, các nền kinh tế thị trường luôn rơi vào tình trạng bị đe doạ bởi khi thì đồng tiền tăng giá đột ngột, khi thì nạn thất nghiệp tăng cao, khi thì vừa có tình trạng thất nghiệp, vừa có tình trạng lạm phát. Lịch sử vẫn chưa quên thời kỳ trầm trọng của siêu lạm phát ở Đức những năm 1920, đặc biệt cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới những năm 30 của thế kỷ XX, khi cả thế giới lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Chính sách tài chính bao gồm các chính sách thuế và chi tiêu ngân sách của Nhà nước nhằm điều tiết chu kỳ kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm, ổn định giá cả và tăng trưởng liên tục của nền kinh tế. Trong những thời kỳ kinh tế suy giảm, chính sách tài chính có tác dụng kích cầu và sản xuất bằng cách Chính phủ tăng mua, giảm thuế, do đó tạo ra được một thu nhập quốc dân khả dụng lớn hơn để đưa vào luồng tiêu đùng. Còn trong những thời kỳ kinh tế "quá nóng", chính phủ làm ngược lại. Để cân bằng lại những biện pháp tài chính cố ý này, Nhà nước tạo ra nhưng cái gọi là cơ chế ổn định, như thuế thu nhập luỹ tiến và phụ cấp thất nghiệp. Chính sách tài chính được điều hành một cách độc lập với chính sách tiền tệ là chính sách nhằm điều tiết hoạt động kinh tế bằng cách kiểm soát việc cung ứng tiền.

CÁC CÔNG CỤ CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Gồm có 6 công cụ sau:

  1. Công cụ tái cấp vốn: là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Trung ương đối với các Ngân hàng thương mại. Khi cấp một khoản tín dụng cho Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Trung ương đã tăng lượng tiền cung ứng đồng thời tạo cơ sở cho Ngân hàng thương mại tạo bút tệ và khai thông khả năng thanh toán của họ.
  2. Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc: là tỷ lệ giữa số lượng phương tiện cần vô hiệu hóa trên tổng số tiền gửi huy động, nhằm điều chỉnh khả năng thanh toán (cho vay) của các Ngân hàng thương mại.
  3. Công cụ nghiệp vụ thị trường mở: là hoạt động Ngân hàng Trung ương mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, điều hòa cung cầu về giấy tờ có giá, gây ảnh hưởng đến khối lượng dự trữ của các Ngân hàng thương mại, từ đó tác động đến khả năng cung ứng tín dụng của các Ngân hàng thương mại dẫn đến làm tăng hay giảm khối lượng tiền tệ.
  4. Công cụ lãi suất tín dụng: đây được xem là công cụ gián tiếp trong thực hiện chính sách tiền tệ bởi vì sự thay đổi lãi suất không trực tiếp làm tăng thêm hay giảm bớt lượng tiền trong lưu thông, mà có thể làm kích thích hay kìm hãm sản xuất. Nó là một công cụ rất lợi hại. Cơ chế điều hành lãi suất được hiểu là tổng thể những chủ trương chính sách và giải pháp cụ thể của Ngân hàng Trung ương nhằm điều tiết lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng trong từng thời kỳ nhất định.
  5. Công cụ hạn mức tín dụng: là một công cụ can thiệp trực tiếp mang tính hành chính của Ngân hàng Trung ương để khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa mà Ngân hàng Trung ương buộc các Ngân hàng thương mại phải chấp hành khi cấp tín dụng cho nền kinh tế.
  6. Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái là tương quan sức mua giữa đồng nội tệ và đồng ngoại tệ. Nó vừa phản ánh sức mua của đồng nội tệ, vừa là biểu hiện quan hệ cung cầu ngoại hối. Tỷ giá hối đoái là công cụ, là đòn bẩy điều tiết cung cầu ngoại tệ, tác động mạnh đến xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Chính sách tỷ giá tác động một cách nhạy bén đến tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng tài chính, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, thu hút vốn đầu tư, dự trữ của đất nước. Về thực chất tỷ giá không phải là công cụ của chính sách tiền tệ vì tỷ giá không làm thay đổi lượng tiền tệ trong lưu thông. Tuy nhiên ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi coi tỷ giá là công cụ hỗ trợ quan trọng cho chính sách tiền tệ.

CHỨC NĂNG CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Chính sách tiền tệ có hai chức năng chính: ổn định kinh tế và can thiệp tỷ giá hối đoái.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, nguyên lý hoạt động chung của chính sách tiền tệ là cơ quan hữu trách về tiền tệ (ngân hàng trung ương hay cục tiền tệ) sẽ thay đổi lượng cung tiền tệ. Các công cụ để đạt được mục tiêu này gồm: thay đổi lãi suất chiết khẩu, thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, và các nghiệp vụ thị trường mở.

Khi tăng chi tiêu vào thời điểm thất nghiệp cao và lạm phát thấp, Nhà nước đã tăng cung tiền, dẫn tới giảm lãi suất (tức giám giá đồng tiền), nhờ đó ngân hàng mới có nhiều điều kiện cho vay và chi tiêu cho tiêu dùng được tăng lên. Điều đó có nghĩa là kích cầu vì tiêu dùng là bộ phận cấu thành lớn nhất và ổn định nhất của tổng cầu. Lãi suất thấp, đồng thời khuyến khích đầu tư, các chủ doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thuê thêm công nhân.

Trong thời kỳ lạm phát cao và thất nghiệp thấp thì ngược lại, Nhà nước “làm nguội"nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất, giảm cung ứng tiền. Cùng với việc giảm tiền và tăng lãi suất, cả chỉ tiêu lẫn giá cả đều có xu hướng giảm hoặc ít nhất, nếu có tăng thì cũng rất chậm, và kết quả là thu hẹp lại sản lượng và việc làm.

Trước năm 1960, chính sách tài chính và tiền tệ không được áp dụng rộng rãi để ổn định các chu kỳ kinh doanh. Ngày nay, trừ các trường hợp liên quan tới thiên tai và thảm hoạ chiến tranh, các chính sách này đã trở thành giải pháp hữu hiệu để khắc phục lạm phát và giải quyết việc làm. Những tác động của nó chưa ro ràng khi cả lạm phát và thất nghiệp xảy ra đồng thời. Có một vài nguyên nhân cho sự hạn chế này. Đó là khó xác định chính xác thời điểm của vấn đề cần giải quyết để từ đó, đưa ra các biện pháp, chính sách hỗn hợp cho phù hợp. Ngoài ra, Tính trễ trong phát huy hiệu quả của chính sách tài chính.

Chính phủ muốn thực hiện chính sách tài chính nới lỏng bằng cách tăng chi tiêu chính phủ. Giả sử được quốc hội thông qua thì cũng đã mất thời gian chờ đợi quốc hội xem xét thảo luận. Sau đó, để triển khai còn phải tiến hành các hoạt động như lập kế hoạch dự án, khảo sát-thiết kế để triển khai đầu tư. Những việc này cũng mất không ít thời gian. Chính vì vậy, có một độ trễ để chính sách tài chính nới lỏng bắt đầu phát huy tác dụng.

Khi cả thất nghiệp và lạm phát xảy ra đồng thời, chính phủ có thể rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì, các chính sách tài chính và tiền tệ đều điều chỉnh lại mức chi tiêu của cả một nền kinh tế quốc dân, nhưng lại không thể đối phó với sự giảm đột ngột về cung - một nhân tố có thể đẩy nhanh cả lạm phát lẫn thất nghiệp. Tình trạng này đã xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi có lệnh đình chỉ xuất khẩu đầu của các nước sản xuất dầu, dẫn tới giá cả tăng nhanh trong nền kinh tế các nước công nghiệp hoá. Như vậy, sự giảm cung sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng nhanh trong khi đó thì sản xuất và việc làm lại giảm. Để đối phó với cú sốc cung này đối với nền kinh tế quốc dân, Nhà nước có thể tăng cường các biện pháp khuyến khích sản xuất, tiết kiệm và đầu tư, tăng hiệu quả cạnh tranh băng cách giảm sự độc quyền, khắc phục sự trì trệ và kìm hãm của các nguồn lực quan trọng.

Như vậy, có thể nói, dẫu Nhà nước không thể cung cấp phương thuốc bách bệnh trong cuộc đấu tranh muôn thuở với lạm phát và thất nghiệp trong các nền kinh tế thị trường thì nó vẫn được coi là nhân tố tích cực trong việc điều hoà các ảnh hưởng của chúng. Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay đều thừa nhận tầm quan trọng của Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống lạm phát và thất nghiệp thông qua các chính sách ồn định dài hạn.

15/2/2021


 

Thuyết hai nhân tố Herzberg

1. Người khởi xướng: Thuyết hai nhân tố được nhà tâm lý học người Mỹ Frederick Herzberg khởi xướng năm 1959. Học thuyết này đã và đang được các nhà quản lý doanh nghiệp áp dụng rộng rãi.


Để xây dựng học thuyết hai nhân tố, Herzberg đã tiến hành phỏng vấn 203 nhân viên kế toán và kỹ sư tại Mỹ. Việc lựa chọn hai đối tượng trên để phỏng vấn được lý giải bởi tầm quan trọng của các nghề này trong hoạt động kinh doanh ở Mỹ. Phát hiện của Herzberg đã tạo ra một sự ngạc nhiên lớn vì nó đã đảo lộn nhận thức thông thường. Các nhà quản lý thường cho rằng đối ngược với thỏa mãn là bất mãn và ngược lại. Nhưng, Herzberg lại cho rằng đối nghịch với bất mãn không phải là thỏa mãn mà là không bất mãn và đối nghịch với thỏa mãn không phải là bất mãn mà là không thỏa mãn.


2. Nôi dung:

Học thuyết này được phân ra làm hai yếu tố có tác dụng tạo động lực:

–       Nhóm yếu tố thúc đẩy: Các yếu tố thúc đẩy là các yếu tố thuộc bên trong công việcĐó là các nhân tố tạo nên sự thỏa mãn, sự thành đạt, sự thừa nhận thành tích, bản thân công việc của người lao động, trách nhiệm và chức năng lao động, sự thăng tiến. Đây chính là 5 nhu cầu cơ bản của người lao động khi tham gia làm việc. Đặc điểm của nhóm này là nếu không được thỏa mãn thì dẫn đến bất mãn, nếu được thỏa mãn thì sẽ có tác dụng tạo động lực.

–       Nhóm yếu tố duy trì: Đó là các yếu tố thuộc về môi trường làm việc của người lao động, các chính sách chế độ quản trị của Doanh nghiệp, tiền lương, sự hướng dẫn công việc, các quan hệ với con người, các điều kiện làm việc. Các yếu tố này khi được tổ chức tốt thí có tác dụng ngăn ngừa sự không thỏa mãn đối với công việc của người lao động

Herzberg cho rằng năm yếu tố tiêu biểu mang lại “sự thõa mãn trong công việc” là:

Thành đạt : sự thỏa mãn của bản thân khi hoàn thành một công việc, giải quyết một vấn đề và nhìn thấy những thành quả từ nỗ lực của mình. (Con người được động viên khi anh ta có khả năng thực hiện được những ý định của mình.)

Bản thân công việc: những ảnh hưởng tích cực từ công việc lên mỗi người. chẳng hạn, một công việc có thể thú vị, đa dạng, sáng tạo và thách thức.

Sự thừa nhận: Sự ghi nhận việc hoàn thành tốt một công việc. Điều này có  thể  được tạo ra từ bản thân từng cá nhân hoặc sự đánh giá của mọi người. (Con người được kích thích mỗi khi ứng xử của mình được đánh giá đúng thông qua những lời khen ngợi (khi có kết quả tốt) hoặc xử phạt (khi không đạt yêu cầu).)

Trách nhiệm: mức độ ảnh hưởng của một người đối với công việc. Mức độ kiểm soát của một người đối với công việc có thể bị ảnh hưởng phần nào phần nào bởi quyền hạn và trách nhiệm đi kèm với nó.

Sự thăng tiến, tiến bộ: là những cơ hội thăng tiến, hoàn thiện bản thân trong doanh nghiệp. Cơ hội phát triển cũng xuất hiện trong công việc thường ngày nếu người ta có quyền quyết định nhiều hơn để thực thi các sáng kiến.

– Những yếu tố mà Herzberg phát hiện có tác dụng gây ra bất mãn nhưng không làm tăng động lực làm việc gọi là yếu tố duy trì. Một cách gọi khác mà Herzberg đã dùng đó là “các yếu tố vệ sinh”.

– Những yếu tố duy trì có thể làm giảm hiệu quả của công việc nhưng không làm tăng nó. Tương tự như việc thiếu bảo dưỡng có thể gây ra hỏng thiết bị nhưng bảo dưỡng thường xuyên cũng không thể làm tăng hiệu quả làm việc của nó.

 Những yếu tố duy trì:

Chính sách và quy định quản lý của doanh nghiệp

Điều này có nghĩa là toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp được quản lý và tổ chức như thế nào. Ví dụ, nếu các chính sách của doanh nghiệp mâu thuẫn với mục đích của các bộ phận và cá nhân thì điều đó sẽ mang lại hậu quả xấu. Việc nhân viên phản đối hay cảm thấy tức giận với một số chính sách hay quyết định được đưa ra từ một phòng ban nào đó trong tổ chức là khá phổ biến. Quan điểm này của Herzbeg là hoàn toàn chính xác, chính sách và các quy định quản lý của doanh nghiệp có thể trở thành vật cản đường nhưng khi nhân viên không bị ảnh hưởng của những điều này thì họ sẽ chẳng buồn nghĩ đến chúng.

Sự giám sát.

Nhiều chuyên gia không đồng ý với Herzbeg ở điểm này. Sự lãnh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo động lực làm việc, đặc biệt đối với một tập thể nhân viên. Thường những nhân viên sẽ không dành nhiều thời gian để quan tâm đến cấp trên của mình, họ chỉ nghĩ đến khi nào họ cần đến hoặc khi cấp trên gây áp lực cho họ.

Phân tích những dạng quyền lực mà người lãnh đạo có thể sử dụng ta có thể kể đến những loại sau:

–   Quyền lực có được do địa vị là loại quyền lực có được nhờ chức vụ mà người đó đảm nhận

–   Quyền lực do năng lực bản thân là ảnh hưởng của bạn lên những người xung quanh do năng lực, kiến thức hay kỹ năng lãnh đạo của bản thân bạn mang lại.

–   Quyền lực của nhân cách có được bởi nhân cách bản thân, lòng tin và sự mến mộ mà mọi người dành cho bạn.

–   Quyền lực từ khả năng thuyết phục là ảnh hưởng toát ra từ con người bạn và khả năng sử dụng lý lẽ để chinh phục mọi người.

Chúng ta nhận thấy rằng loại quyền lực đầu tiên thường không có tác dụng tạo động lực và do đó, cần sử dụng một cách hạn chế và thận trọng, trong khi những quyền lực sau nếu nhà quản lý biết cách sử dụng một cách phù hợp thì vẫn có thể tạo được những ảnh hưởng rất tích cực đến nhân viên của mình.

Điều kiện làm việc

Herzbeg đã phát hiện rằng điều kiện làm việc không ảnh hưởng đến kết quả làm việc của nhóm, miễn là nó khá tốt. Ngược lại, nếu điều kiện làm việc trở nên tồi tệ hơn thì công việc sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Khi điều kiện làm việc vượt qua mức khá tốt thì nó chỉ khiến cho kết quả công việc khá hơn đôi chút.

Những mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân.

Herzbeg cho rằng khi các mối quan hệ của các thành viên trong tập thể xấu đi, nó có thể cản trở công việc. Nhưng khi các mối quan hệ này tôt đẹp, nó sẽ không gây ra sự khác biệt đáng kể nào.

Chúng ta đã nghiên cứu về những nhu cầu của con người trong các mối quan hệ tương tác, về mong muốn được người khác thừa nhận là có thật. Tuy nhiên, việc các mối quan hệ này có tác dụng đến việc tạo động lực đến mức độ nào thì lại là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Trong nhiều trường hợp, khi các mối quan hệ này tốt đẹp, nó có tác dụng tích cực đến hiệu quả công việc.

Tiền lương:

Một phát hiện đáng ngạc nhiên của Herzbeg là tiền lương nhìn chung không có tác dụng tạo động lực cho nhân viên mặc dù việc chậm trả lương có thể khiến mọi người bất mãn.

Quan điểm này của Herzbeg hoàn toàn trái ngược với quan điểm của trường phái cổ điển. Đã từng có một thời người ta cho rằng tiền lương là yếu tố chủ yếu để tạo động lực. Frederick W. Taylor đã viết rằng:

“… không thể khiến cho một người làm việc hăng say hơn những nhân viên khác trong một thời gian dài, trừ khi họ được hứa hẹn một khoản tăng lương đáng kể và ổn định”.

Đây là một vấn đề vẫn chưa thực sự rõ ràng. Hầu hết mọi người đều đi là với mục đích kiếm tiền nhưng khi chúng ta mải mê với công việc của mình và thích thú với nó, chúng ta sẽ không nghĩ tới vấn đề lương bổng. Một ví dụ sinh động đó là trường hợp của những người tham gia các hoạt động tình nguyện.

Tuy nhiên tiền lương lại trở thành cực kỳ quan trọng khi nhân viên có cảm giác mình bị trả lương không thỏa đáng hay khi công ty chậm trễ trong việc trả lương. Nhưng những khoản thưởng bằng tiền căn cứ trên kết quả của nhóm thường có tác dụng động viên rất lớn. Trong trường hợp này, tiền được sử dụng như một công cụ tạo động lực làm việc.

Một điều cần phải nêu lên nữa là chênh lệch về tiền lương có thể quan trọng hơn là những gì nhân viên thực nhận. Nhân viên có xu hướng quan tâm nhiều đến chênh lệch thu nhập của mình với người khác hơn là về mức lương họ thực nhận. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các nhà quản lý thường phàn rằng cấp trên và cả cấp dưới của họ được trả quá cao trong khi bản thân họ lại bị trả thấp. Kiểu suy nghĩ này sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.

Địa vị

Địa vị là vị trí của một cá nhân trong mối quan hệ với những người khác. “Biểu tượng” của địa vị như chức danh là rất quan trọng. Nhận thức về giảm sút địa vị có thể làm sa sút nghiên trọng tinh thần làm việc.

 

Công việc ổn định

Là không phải lo lắng để giữ một việc làm. Có thể nói rằng hầu hết mọi người thường không thấy được động viên từ việc mình đang có một việc làm nhưng sẽ rất sa sút tinh thần nếu có nguy cơ mất việc.



3. Thuyết hai nhân tố của Herzberg có ý nghĩa đối với các nhà quản trị trên các phương diện sau:

– Những nhân tố làm thỏa mãn người lao động là khác với các nhân tố tạo ra sự bất mãn. Vì vậy, bạn không thể mong đợi sự thỏa mãn của người lao động bằng cách đơn giản là xóa bỏ các nguyên nhân gây ra sự bất mãn.

– Việc động viên nhân viên đòi hỏi phải giải quyết thỏa đáng, đồng thời cả hai nhóm nhân tố duy trì và động viên, không thể chỉ chú trọng một nhóm nào cả.

Tuy nhiên, cũng có những yếu tố phê phán quan điểm của Herzbeg. Một phần của những phê phấn này liên quan đến việc Herzbeg cho rằng bằng cách tạo ra những yếu tố động viên trong công việc, con người sẽ thấy hài lòng với công việc. Vấn đề đặt ra là: liệu việc hài lòng  trong công việc có mang lại hiệu quả làm việc cao hơn hay không?

4. Ứng dụng:

Học thuyết này giúp cho các nhà quản trị biết được các yếu tố gây ra sự bất mãn cho nhân viên và từ đó tìm cách loại bỏ những nhân tố này.

Ví dụ, nhân viên có thể bất mãn với công việc vì mức lương của họ quá thấp, cấp trên giám sát quá nghiêm khắc, quan hệ với đồng nghiệp không tốt.

Như vậy, nhà quản trị phải tìm cách cải thiện mức lương, giảm bớt giám sát và xây dựng tình đồng nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên khi các nhân tố gây bất mãn được loại bỏ thì cũng không có nghĩa là nhân viên sẽ hài lòng. Nếu muốn động viên nhân viên, làm cho họ hài lòng trong công việc thì người quản trị cần chú trọng đến những yếu tố như sự thành đạt, sự thừa nhận và giao việc.

Ví dụ, nhân viên sẽ cảm thấy hài lòng với công việc khi họ được giao việc đúng khả năng và tính cách của mình, có cơ hội để học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và được thăng tiến.



Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .