Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Hành trình Đông Dương bị đầu độc bằng thuốc phiện

Năm 1869, Thời báo Sài Gòn thậm chí còn tiết lộ: “Sứ mệnh chủ yếu của nước Pháp không phải là tự mình đầu độc dân chúng, mà để việc này cho kẻ khác làm, kẻ khác ở đây chính là những nhà thầu thuốc phiện” .

Thuốc phiện là hiện tượng được biết đến ở Châu Á ngay từ thế kỷ XVIII nhờ bức ảnh lưu truyền rộng rãi mang tên “thói xấu Trung Hoa”. Thuốc phiện xuất hiện ở Đông Dương từ khá sớm nhưng chỉ thực sự nở rộ khi vùng đất này trở thành thuộc địa Pháp. Năm 1862, để đảm bảo nguồn thu ổn định, Phó Đô đốc Bonard đã quyết định đánh thuế thuốc phiện để trang trải kinh phí ăn ở của quân đội Pháp tại Đông Dương. Và các công ty thương mại đã tham gia kinh doanh mặt hàng gây nghiện này ngay từ khi chính quyền cho phép. Đó cũng chính là điểm khởi đầu trong chuyến phiêu lưu của thuốc phiện ở Đông Dương.
Trong số rất nhiều công trình nghiên cứu và tác phẩm đã xuất bản về thuốc phiện, có một ấn phẩm đặc biệt thu hút sự chú ý của chúng tôi do đã làm rõ những khía cạnh kinh tế, xã hội và chính trị trong quan hệ giữa thuốc phiện và sự hiện diện của người Pháp ở Đông Dương. Đó là cuốn sách “Commerce et colonisation en Indochine 1860 – 1945” (Thương mại và công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương 1860 - 1945) của tác giả Kham Voraphet, Nhà xuất bản Les Indes Savantes, Paris 2004.
Thuốc phiện ở Đông Dương và luận điệu của người Pháp
Trước năm 1860, thuốc phiện ở Việt Nam bị cấm ngặt, người vi phạm có thể bị án tử. Dưới triều Minh Mạng và Tự Đức, nhiều chỉ dụ cấm thuốc phiện được ban hành tới toàn bộ dân chúng . Ở Cao Miên, việc tiêu thụ thuốc phiện không được coi trọng. Các khoản thu đều trực tiếp nộp vào quốc khố .
Hồi ký của người Pháp đầu cuộc chinh phục thuộc địa Đông Dương không thấy nói nhiều về thuốc phiện. E.Aymonier không đề cập đến thuốc phiện trong báo cáo của mình về chuyến công tác Nam Kỳ, Cao Miên, Lào, Trung Kỳ từ tháng 1.1882 đến tháng 9.1885 . Lúc bấy giờ, thuốc phiện chỉ là hàng tiêu dùng của rất ít người: Thương nhân giàu có, điền chủ lớn và quan lại người Việt, hoàng tử và hoàng thân Cao Miên.
Chúng ta đều biết rằng, trước khi có sự hiện diện của người Pháp ở Đông Dương, thuốc phiện chỉ là thứ yếu, nhưng từ năm 1862, nó đã trở thành tệ nạn xã hội, thâm nhập vào mọi tầng lớp từ người giàu đến người nghèo.
Theo dòng thời gian, người Âu cũng hút thuốc phiện. Con số người Âu hút thuốc phiện không nhiều nhưng đó là nỗi lo của chính quyền thuộc địa và báo chí, họ không từ cơ hội nào để tố giác tệ nạn này, nhằm bảo vệ đồng bào của mình. Năm 1891, một bài báo trên nhật báo Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) tố cáo tình trạng nghiện ngập của người Âu ở vùng này như sau: “Tỉ lệ người nghiện hiện nay đã ở mức đáng sợ và chúng ta chỉ còn cách rung lên hồi chuông báo động thật lớn... Tình hình hiện nay quá nghiêm trọng; các tỉnh thành hỗn loạn của chúng ta không thể được chỉ đạo từ chiếc giường hút thuốc phiện và trong làn khói toả ra từ những tẩu thuốc được tiêm dưới tay bọn cu ly”.
Một nhật báo năm 1886 miêu tả tiệm hút ở Chợ Lớn và hậu quả của việc lạm dụng loại ma tuý này: “Ở thuộc địa này, các tiệm hút thuốc phiện là những công sở do người Hoa điều hành và được cấp thẻ môn bài đặc biệt. Các công sở được cảnh sát địa phương giám sát chặt chẽ... Phụ nữ và người Âu không được ra vào nơi này... Người hút thuốc cuối cùng sẽ đạt đến cảnh giới mà tinh thần của họ được giải phóng hoàn toàn khỏi những khổ não trần thế và chìm dần vào trạng thái lâng lâng và đê mê lạ lẫm và khoan khoái. Lạm dụng thuốc phiện về lâu về dài sẽ tàn phá cơ thể. Người hút thuốc phiện thâm căn cố đế sẽ sút cân nhanh chóng, cơ thể khô đét lại, và sở hữu tướng mạo đặc biệt rất dễ nhận biết dù ở khoảng cách rất xa. Nếu lạm dụng thuốc phiện quá lâu, thường cái chết là điều không tránh khỏi” .

Có thể nói, thuốc phiện có vị trí quan trọng trong đời sống Đông Dương là “nhờ” người Pháp. Vì chính quyền thuộc địa lựa chọn kiểm soát toàn bộ hệ thống đấu thầu và sau này là độc quyền thuốc phiện, thể chế hoá việc tiêu thụ mặt hàng này. Hút thuốc phiện cũng phải đóng thuế như uống rượu, nhất là khi thuế và lợi nhuận từ việc này đều cung cấp cho nguồn thu của thuộc địa.
Điều phải bàn là khía cạnh đạo đức của hiện tượng này. Chính quyền thuộc địa cũng như Bộ Thuộc địa đã đưa ra các luận điệu để bảo vệ chính sách độc quyền ở Đông Dương, bất chấp các chiến dịch quốc tế .
Để đề cao ý thức của chính quyền thuộc địa, năm 1864, tờ Le courrier de Saigon (Thời báo Sài Gòn), nhấn mạnh khía cạnh “đạo đức” của thuế thuốc phiện: Trong sự nghiệp khai hoá, chính quyền đã hạn chế tiêu thụ thuốc phiện bằng cách đánh thuế thật cao. Cũng theo nhật báo này, thuốc phiện đã được sử dụng ở thuộc địa từ rất lâu trước khi người Pháp đặt chân tới đây: “Nước Pháp không đến xứ này để buộc dân chúng tự đầu độc, nước Pháp đã thấy thuốc phiện lan tràn ở mọi tầng lớp dân cư từ trước đó” . Đây cũng là luận điệu của các nhà ngoại giao người Anh trước đó 30 năm, trước đại diện của hoàng đế Trung Hoa ở Quảng Đông, Lâm Tắc Từ .
Năm 1869, Thời báo Sài Gòn thậm chí còn tiết lộ: “Sứ mệnh chủ yếu của nước Pháp không phải là tự mình đầu độc dân chúng, mà để việc này cho kẻ khác làm, kẻ khác ở đây chính là những nhà thầu thuốc phiện” .
Trước năm 1882, chính quyền thuộc địa vẫn theo đuổi nguyên tắc minh bạch và thận trọng để không xúc phạm công luận. Bao quanh chính quyền phải là hình ảnh nhà ngoại giao thận trọng, tôn trọng và uy tín. Để đạt được mục đích này, chính quyền phải từ bỏ việc “tự mình đi bán rong thuốc phiện” .
Lập trường của chính quyền Pháp về vấn đề thuốc phiện trong suốt thời kỳ thuộc địa thường xuyên đi ngược lại với tinh thần cộng hoà và tinh thần của công ước quốc tế về thuốc phiện. Về vấn đề này, C.Descours-Gatin viết: “Xuất hiện mâu thuẫn lớn và thường trực ở nơi các quan cai trị người Pháp tại Đông Dương: Dung hoà nhu cầu thu lợi nhuận lớn bằng cách khuyến khích tiêu thụ thuốc phiện và mong muốn không bị công chúng nhìn nhận như một kẻ đầu độc” .
Đóng góp của thuốc phiện vào ngân sách liên bang Đông Dương
Ngay sau khi người Pháp đặt chân đến Nam Kỳ, năm 1861, một nửa doanh thu của thuộc địa đến từ hoạt động buôn bán thuốc phiện, cụ thể là 151.000/290.000 phơ-răng .
Để bổ sung vào phần ngân sách ít ỏi do chính quốc trợ cấp, chính quyền quyết định dùng kinh phí thu được từ độc quyền thuốc phiện để chi trả cho các khoản ở Bắc Kỳ. Năm 1883, hoàng đế An Nam đã nhượng cho Pháp độc quyền ở Bắc Kỳ và bảo lưu độc quyền này ở Trung Kỳ cho đến năm 1889. Thu nhập từ 13 tỉnh Trung Bắc Kỳ trước khi Pháp nắm giữ độc quyền thuốc phiện là 770.000 phơ-răng (tương đương 2.107.800 euro năm 2003), lượng hàng tiêu thụ hằng năm ước tính đạt 15 tấn .
Theo C.Descours-Gatin, trong những năm 1861-1871, thuốc phiện đóng góp khoảng 1/2 tổng doanh thu ngân sách Nam Kỳ và 3/4 tổng thuế gián thu. Nhưng từ năm 1872, do xuất hiện việc đấu thầu rượu gạo và đánh thuế xuất khẩu gạo, vai trò của thuốc phiện giảm dần, đến năm 1879, chỉ còn chiếm 20% tổng doanh thu và 50% thuế gián thu . Theo D.Niollet, năm 1882, nguồn thu từ thuốc phiện chiếm 25% tổng doanh thu của Công quản Nam Kỳ, tăng lên 30% vào năm 1883 và 34% vào năm 1884. Năm 1887, cùng với chế độ thuế quan mới, nhiều nguồn thu mới từ thuế vào ngân sách đã làm giảm tỉ lệ đóng góp của thuốc phiện xuống còn 20 đến 25% . Từ đó, ngân sách thuộc địa ổn định hơn và không quá phụ thuộc vào một sản phẩm duy nhất như trước nữa.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong các năm 1887 - 1897, đóng góp của thuốc phiện vào ngân sách Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ đạt 15% tổng doanh thu. Nguyên nhân của tỉ suất này là do Bắc Kỳ áp dụng chế độ độc quyền khá muộn còn ở Trung Kỳ, thuế thuốc phiện chỉ được nộp vào ngân sách thuộc địa kể từ ngày 15.10.1899.
Năm 1899, ước tính nguồn thu từ kinh doanh thuốc phiện đóng góp vào ngân sách Nam Kỳ là 10.025.000 
phơ-răng (tương đương 26,9 triệu euro năm 2003), Bắc Kỳ là 866.000 phơ-răng (2,4 triệu euro năm 2003) và Trung Kỳ là 250.000 đồng Đông Dương (2,33 triệu euro năm 2003).
Cũng theo C.Descours-Gatin, trong các năm 1899-1914, thuốc phiện vẫn là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách liên bang với tỉ lệ 25%, chí ít là đến năm 1906. Trong những năm 1907-1913, thuốc phiện chỉ chiếm 21%, do chiến dịch quốc tế chống thuốc phiện buộc Chính phủ Pháp phải cam kết giảm tiêu thụ thuốc phiện ở Đông Dương.
Ph.Le Failler cảnh báo rằng hệ thống Doumer dù đảm bảo tự chủ về mặt tài chính cho Đông Dương bằng nguồn thu từ thuốc phiện nhưng không thể tồn tại lâu dài. Hệ thống này bắt đầu suy giảm từ năm 1931, vì nguồn thu từ thuốc phiện không đủ để hoàn trả công trái ở thuộc địa. Điển hình là năm 1937, một mặt do khủng hoảng kinh tế 1931-1934, mặt khác do nguồn thu từ thuốc phiện giảm, không đủ để trả nợ (7 triệu đồng Đông Dương thu về so với 13 triệu đồng phải thanh toán) .
Những điều được rút ra từ quá trình nghiên cứu của Kham Voraphet cho chúng ta tiếp cận với vấn đề thuốc phiện ở Đông Dương thời Pháp thuộc ở một góc độ khác. Bên cạnh đó, sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của một học giả nước ngoài càng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về chính sách thâm độc của thực dân Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Copyright © 2012 Nguyen Đinh Binh .